Đất nền giảm giá 10 - 12%
Nếu trong quý 1 năm 2021, giá đất nền tại một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc và ngoại thành Hà Nội tăng gấp từ 2 - 2,5 lần so với thời điểm cuối năm 2020 thì tới nay đã trầm lắng. Theo số liệu báo cáo thị trường từ trang về giao dịch bất động sản, các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, nhà đất, đặc biệt là tình trạng mua bán “ảo” nhằm thổi giá, trục lợi bất chính...đã làm cho đất nền tại nhiều khu vực “sốt giá” trước đây bắt đầu có hiện tượng quay đầu giảm giá.
Trong các tháng quý 2 năm 2021, toàn thị trường giảm 19% và lượng tin đăng mua bán bất động sản, một số nơi đã xảy ra “sốt” trước đây nay giảm mạnh. Cụ thể, tại Hải Phòng (giảm 34%) Bắc Ninh (giảm 29%)... Đến thời điểm hiện tại, giá rao bán đã giảm từ 10 - 12%, số lượng người dân tìm kiếm đất nền cũng giảm mạnh.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất nền phân lô tại các khu vực lân cận Hà Nội như xã Kim Chung, Vân Canh (huyện Hoài Đức) khu CNC Hòa Lạc như các xã Bình Yên (Thạch Thất) Phú Mãn (Quốc Oai) trước đây là hàng “hot” trên thị trường thì nay giá rao bán cũng đã giảm nhưng vẫn vắng khách mua.
Với thông tin Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 và thông tin thị xã Từ Sơn trở thành thành phố Từ Sơn trực thuộc tỉnh, giá đất ở đây đã tăng chóng mặt vào thời điểm đầu năm 2021, có khu vực tăng từ 30 - 50%. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường này có dấu hiệu hạ nhiệt song giá vẫn ở mức cao. Đến thời điểm hiện tại, thị trường Bắc Ninh đã chững lại hoàn toàn khi dịch Covid-19 có diễn biến vô cùng phức tạp với số ca nhiễm cao, nhiều khu vực phải thực hiện giãn cách.
Tại các dự án đất nền phân lô gần khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) vào giữa quý 1, giá chào bán cao nhất là 4,1 tỷ đồng/lô, nay cũng xuống còn 3,9 tỷ đồng/lô...Tương tự ở khu vực Ninh Bình và Thanh Hóa giá đất nền trong khu dân cư và gần với dự án cũng ghi nhận giảm từ 5 - 7% so với thời điểm cuối quý 1 năm 2021.
Ít giao dịch
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, giá đất nền ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận giảm trong thời gian qua sau khi tăng quá nóng. Tăng giá đất là xu hướng khi quá trình đô thị hóa tiếp tục, hạ tầng giao thông được đầu tư nhưng tăng 30-50% trong thời điểm ngắn là không phản ánh được thực tế thị trường, có “sốt ảo”. Dù giá có giảm nhưng thực tế đang hình thành một mặt bằng giá mới ở những khu vực có tiềm năng phát triển.
“Đặc thù thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, giá giảm nhưng cũng ít hàng và càng ít giao dịch. Giá đất nền giảm những nhiều người không bán, nhà đầu tư sẵn sàng ôm hàng chờ thời điểm có giá tốt. Trong lúc giá giảm và ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì việc đầu tư vào bất động sản cũng chững, các nhà tạo lập bất động sản cũng không tung hàng vào thời điểm thị trường đang thiếu thanh khoản”, ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thời gian qua khi giá đất nền liên tục thiết lập những kỷ lục mới đã làm cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, giảm cơ hội có nhà của nhóm người thu nhập thấp.
Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó.
“Trong cơn sốt đất đầu năm, nghịch lý là ngay tại những địa điểm chưa được đầu tư hạ tầng, giá đất cũng tăng cao ngoài khả năng của những người có nhu cầu thực” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Một số khu vực có dấu hiệu quay đầu giảm giá là do nhà đầu tư không đủ mạnh về tài chính nên đành phải chấp nhận “bán tháo” để thu hồi vốn; ngược lại đối với những nhà đầu tư có thực lực tài chính sẽ không bán ở thời điểm này nếu phải cắt lỗ, hoặc thấp nhất thì cũng phải bằng với giá mua vào, nên sang quý 3 năm 2021 phân khúc đất nền sẽ có sự đi ngang về giá, ông Nguyễn Văn Đính phân tích.
Bình luận