• Zalo

Đất dự án bỏ hoang, Hà Nội vẫn khẳng định chợ cóc 'mọc' vì không có đất

Thời sựThứ Tư, 30/07/2014 05:40:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trong khi các dự án bỏ hoang còn tồn tại nhiều thì UBND TP Hà Nội cho biết khu vực nội thành không còn quỹ đất để xây dựng chợ dân sinh.

(VTC News) – Trong khi các dự án bỏ hoang còn tồn tại nhiều thì UBND TP Hà Nội cho biết khu vực nội thành không còn quỹ đất để xây dựng chợ dân sinh.

Không còn đất xây chợ

Để thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND các quận huyện, thị xã phải thực hiện xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng thực hiện giải toả dứt điểm các tụ điểm chợ tự phát trên địa bàn và chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo trên, trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân với quy mô lớn để giải toả các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm. Kết quả, hiện nay 97 tụ điểm đã bị giải toả nhưng vẫn còn tồn tại 112 tụ điểm.
Trong đó, quận Đống Đa và Hoàng Mai mỗi quận còn 18 tụ điểm; quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm còn 22 tụ điểm; quận Long Biên 11 tụ điểm; quận Hai Bà Trưng 13 tụ điểm; quận Ba Đình và quận Cầu Giấy mỗi quận 9 tụ điểm; quận Hà Đông 5 tụ điểm; quận Hoàn Kiếm 4 tụ điểm và quận Thanh Xuân 3 tụ điểm.
 Không còn đất xây chợ dân sinh tại nội thành là một trong những lý do khiến các chợ cóc mọc lên như nấm.

Theo nhận định của UBND TP. Hà Nội thì có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho tình trạng chợ cóc, chợ tạm vẫn tồn tại. Tuy nhiên, chủ yếu là do tình hình kinh tế xã hội còn khó khăn, thói quen tiêu dùng của người dân theo kiểu “tiện đâu mua đấy” đã “tiếp tay” cho người kinh doanh không cố định, liên tục lập ra các tụ điểm chợ cóc mới. Tình trạng này làm cho công tác giải toả của chính quyền đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.
Đặc biệt, phần lớn các tụ điểm tái phát trở lại là các tụ điểm ở các quận nội thành. UBND TP Hà Nội khẳng định, tại các khu vực này nhu cầu tiêu dùng của nhân dân rất lớn, trong khi không còn quỹ đất để bố trí xây dựng chợ dân sinh. Một số tụ điểm đã tồn tại lâu năm do xuất phát từ nhu cầu dân sinh hàng ngày nên chính quyền sở tại không thể tiến hành giải toả dứt điểm. Điển hình là tại Cầu Lủ và một số tụ điểm khác thuộc quận Hoàng Mai, quận Ba Đình.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội tiếp tục giao UBND các quận huyện, thị xã xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình cụ thể để giải toả dứt điểm các tụ điểm chợ cóc còn tồn tại trên địa bàn. UBND TP. Hà Nội đề nghị các địa phương trực thuộc phải coi đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị và là tiêu chí đánh giá cuối năm.

Sở Công Thương được giao phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Công an TP Hà Nội tiến hành đôn đốc, kiểm tra công tác giải toả các tụ điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố.

Nhiều đất dự án bỏ hoang
Mặc dù UBND TP Hà Nội khẳng định rằng không còn quỹ đất để bố trí xây dựng chợ tại khu vực nội thành, nhưng theo quan sát của PV VTC News thì hiện nay có rất nhiều diện tích đất dự án bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm từ lâu. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao TP Hà Nội không tiến hành thu hồi các diện tích đất “hoang hoá” này để xây chợ?
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra đối với tất cả các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra đối với 352 dự án cho thấy rất nhiều dự án có dấu hiệu vi phạm. 
 Một diện tích đất dự án bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm tại quận Tây Hồ.
Trong đó có 2 dự án đưa đất vào sử dụng sai mục đích, có vốn đầu tư nước ngoài; 9 dự án chưa tìm thấy địa chỉ liên hệ của chủ đầu tư; 20 dự án chậm đưa đất vào sử dụng quá 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa, chậm tiến độ dự án quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, vi phạm luật đất đai, không thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vì các nguyên nhân chủ quan do chủ đầu tư. 
Trong số này có 3 dự án nhà ở thương mại với tổng diện tích 1,9 ha gồm: dự án của Tổng Công ty thép Việt Nam tại số 120 Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), dự án của Công ty TNHH MTV Du lịch công đoàn Việt Nam tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) và dự án của Công ty CP Kim khí Hà Nội tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai).
Đối với các dự án vi phạm nói trên, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng làm thủ tục thu hồi Giấy phép đầu tư, thu hồi đất theo quy định.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thì từ năm 2009 tới nay, Sở này đã hoàn thiện hô sơ thu hồi đất của 55 dự án, diện tích là trên 1.700 ha. Vậy số đất này đã được sử dụng vào mục đích gì, tại sao lại không dành một phần để xây dựng chợ cho người dân?

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn