Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn cần đầu tư lớn, 'không thể tay không bắt chip'

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 01/11/2023 12:50:14 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, muốn có nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn thì Quốc hội, Chính phủ phải có sự đầu tư lớn.

Sáng 1/11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó, ông nhấn mạnh 3 vấn đề chính về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, thiếu giáo viên và sách giáo khoa.

Thứ nhất, vấn đề đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Bộ trưởng cho biết, trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ đề cập thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo cần nguồn nhân lực rất lớn, khoảng 50.000  - 100.000 nhân lực tính đến năm 2030.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại ngành giáo dục khó có thể cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực rất mới và đầy thách thức này. "Đây là trọng trách lớn của ngành, sứ mệnh phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch để triển khai đào tạo trong lĩnh vực này", ông nói.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu sáng 1/11. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu sáng 1/11. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tuy nhiên hiện chỉ 35 trường đại học có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này. Dự kiến năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn, các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử sẽ tuyển khoảng trên 7.000 và tăng dần 20 - 30% chỉ tiêu qua các năm. Kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đáp ứng được nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

"Ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, mong có sự đầu tư lớn, nếu không thì rất khó, không thể tay không bắt chip được trong cái lĩnh vực này", Tư lệnh ngành giáo dục nói và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đầu tư các phòng thực hành để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành công nghệ bán dẫn.

Thứ hai, vấn đề thừa thiếu giáo viên. Hiện cả nước thiếu 127.583 giáo viên và gia tăng không ngừng. Nguyên nhân một phần do số lượng học sinh hàng năm tăng lên đáng kể, đơn cử như tỉnh Bình Dương tăng tới 35.000 học sinh trong năm học vừa qua.

Tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng, tính đến tháng 9 toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ, chuyển việc. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện các tỉnh vẫn còn 64.000 chỉ tiêu là chưa tuyển được giáo viên.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Thứ ba,vấn đề về sách giáo khoa. Theo Bộ trưởng Sơn, số tiền chi cho đổi mới giáo dục đến nay là 213.449 tỷ đồng, con số này thống kê bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Riêng chi cho đổi mới giáo dục (biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn giáo viên) đến nay là 395,2 tỷ đồng.

Trước các ý kiến việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa riêng, ông cho biết, từ nay đến năm 2024 việc quan trọng nhất là thẩm định chất lượng của các sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới.

"Về vấn đề được Quốc hội giao, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất trong một, hai năm tới khi chu trình đổi mới sách, chương trình hoàn tất. Khi đó mới có đánh giá sâu và đưa ra phương án phù hợp", Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn