Một ngày tháng 10 năm 1970, tại một công trường xây dựng của thôn Hà Gia thuộc thành phố Tây An, các công nhân đang hăng say làm việc thì một tiếng hét rất to vang lên. Một lão nông kêu: “Mọi người nhìn xem đây là cái gì?”
Các công nhân khác đều dừng công việc lại và chạy tới xem. Họ nhìn thấy một bình gốm đơn giản có vẻ là đồ cổ. Mọi người hỏi nhau: “Đây là bảo vật chăng?”.
Lão nông cẩn thận mở nắp chiếc bình gốm, bên trong có ánh sáng le lói hắt lên. Hóa ra trong bình có vàng. Mọi người đều sững sờ trước cảnh tượng này. Sau khi bàn bạc, họ quyết định giao chiếc bình gốm cho Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây.
Các chuyên gia khảo cổ của viện bảo tàng đã tìm thấy một lượng lớn vàng, bạc và nhiều đồ tạo tác bằng đá quý trong chiếc bình. Sau khi thẩm định, họ xác định các món cổ vật này là đồ tùy táng của một vị hoàng thất thời Đường, niên đại hơn 1.000 năm. Số vàng trong bình gốm nặng tới 5,5 kg.
Phát hiện quan trọng này lập tức thu hút sự chú ý của ban lãnh đạo bảo tàng. Họ cử một nhóm chuyên gia tới cuộc khảo sát xung quanh khu vực phát hiện bình gốm với hy vọng tìm thêm được các món cổ vật khác.
Quả thực, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 1.000 món đồ bằng bạc, bằng ngọc, tiền xu cổ và dược liệu quý… giá trị rất cao. Họ đưa tất cả về nghiên cứu và phục chế.
Nửa năm sau đó, Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây tổ chức một buổi triển lãm, trưng bày công khai những bảo vật tìm thấy ở thôn Hà Gia. Thế nhưng, một chuyện lạ đã xảy ra. Thếp vàng cổ khi mới phát hiện được xác định nặng 5,5 kg nhưng khi họ cân lại để đem tới buổi triển lãm thì chỉ còn 4 kg.
Việc thếp vàng giấy bị hụt mất 1,5 kg không rõ lý do khiến mọi người dấy lên nghi ngờ. Công chúng yêu cầu Bảo tàng tỉnh Thiểm Tây đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Một mặt, ban lãnh đạo bảo tàng cử thêm người bảo vệ thếp vàng giấy, mặt khác mở một cuộc điều tra. Hai tháng sau, thếp vàng giấy lại giảm thêm 240 gr sau đó vài ngày lại giảm thêm 63,7 gr. Điều này khiến cho các chuyên gia lo lắng vô cùng. Rõ ràng, thếp vàng giấy được bảo vệ nghiêm ngặt, ai chạm vào nó cũng đều được ghi chép lại, chuyện bị cắt trộm là không thể.
Cuối cùng, Bảo tàng Thiểm Tây mời tới các chuyên gia nổi tiếng trong ngành tới giúp đỡ và sự thật đã được đưa ra ánh sáng. Hóa ra, vàng được đựng trong bình gốm và chôn xuống dưới đất trong một thời gian dài, môi trường dưới lòng đất ẩm ướt khiến bên trong bình gốm cũng đầy hơi ẩm.
Nước không bốc hơi hoàn toàn khi các chuyên gia cân thếp vàng giấy lần đầu tiên. Thời gian trôi qua, nước bốc hơi dần nên trọng lượng của thếp vàng giấy mới ngày càng nhẹ đi. Khi bí ẩn được sáng tỏ, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Bình luận