Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định thay thế ủy viên Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim truyện - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - bằng ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã “vi phạm quy chế làm việc của hội đồng", "phát ngôn không đúng với quy chế làm việc của hội đồng".
Sự thay đổi này nhận được sự quan tâm lớn của công chúng, đặc biệt là giới làm phim. Đạo diễn Charlie Nguyễn có những chia sẻ với phóng viên VTC News về sự việc trên.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định để đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thôi vai trò ủy viên Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim truyện nhiệm kỳ 2021-2023. Anh nghĩ gì về điều này?
Tôi mới biết tin này và cảm thấy rất tiếc.
Luật Điện ảnh của chúng ta chưa có những tiêu chí rõ ràng, đôi khi làm khó cho cả nhà làm phim và cả những người duyệt phim. Trong khi đó, các nhà làm phim cũng không có nhiều cơ hội hay các kênh chính thức để trao đổi, chia sẻ, giải trình các vần đề với hội đồng duyệt. Do vậy, khi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có mặt trong Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, tôi rất mừng. Tôi mừng vì cùng là nhà làm phim, chị Điệp sẽ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, trăn trở và có thể nói lên được tiếng nói của các nhà làm phim, nhà phát hành. Trong một nỗ lực nào đó, chị Điệp giống như chiếc cầu nối để giúp các nhà làm phim và các thành viên trong Hội đồng Duyệt phim hiểu, tìm được tiếng nói chung.
- Anh đánh giá thế nào về chị Nguyễn Hoàng Điệp trong tư cách thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim truyện nhiệm kỳ 2021-2023?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp rất cố gắng, nỗ lực để cho những quy định liên quan tới điện ảnh trở nên rõ ràng hơn. Đó là khát khao của tất cả các nhà làm phim. Người trong ngành ai cũng muốn có bộ tiêu chí rõ ràng để khi làm phim không bị vướng mắc. Không một nhà làm phim nào muốn vi phạm pháp luật. Ai cũng muốn tác phẩm của mình được công chiếu một cách rộng rãi, đến với đông đảo công chúng.
Việc sản xuất một bộ phim đòi hỏi kinh phí lớn, phải có các nhà đầu tư chung tay. Đạo diễn phải có trách nhiệm với các nhà đầu tư đó. Do vậy, không ai muốn gặp rủi ro trong quá trình sản xuất phim. Chúng tôi không nói rằng khi có các tiêu chí rõ ràng, phim Việt Nam sẽ hay hơn, nhưng rõ ràng nó sẽ tạo ra không gian để các nhà làm phim thăng hoa, đóng góp cho sự phát triển của nền điện ảnh.
Mặt khác, tôi cũng biết Nguyễn Hoàng Điệp có đề cập tới việc lập Quỹ Điện ảnh dành cho các tài năng trẻ để họ có điều kiện thực hiện các bộ phim. Chị cũng quan tâm tới dòng phim độc lập, vốn ở vị trí yếu thế tại thị trường điện ảnh. Đa số các hãng phim, vì vấn đề doanh thu, khó có thể đầu tư cho phim độc lập, trong khi đó mới là những phim có thể đưa tiếng nói của Việt Nam tới với các liên hoan phim quốc tế.
- Thời gian gần đây, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp liên tục lên tiếng về những bất cập trong lĩnh vực kiểm duyệt và phân loại phim ở Việt Nam. Việc chị phải rời Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim truyện nhiệm kỳ 2021-2023, có lẽ không phải là điều bất ngờ?
Nếu Luật Điện ảnh cũng rõ ràng như Luật Giao thông thì mọi chuyện đã rất dễ dàng cho nhà làm phim và chúng tôi sẽ không phải lên tiếng mà chỉ tập trung vào công việc của mình..
Đạo diễn Charlie Nguyễn
Tôi nghĩ chắc Nguyễn Hoàng Điệp cũng lường trước được điều đó. Nhưng trong suốt thời gian qua, chúng ta thấy nữ đạo diễn luôn muốn những điều tốt cho điện ảnh Việt Nam chứ không phải là một cái ghế trong Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim truyện nhiệm kỳ 2021-2023.
Và tôi tin, dù có còn ủy viên Hội đồng Duyệt phim Quốc gia hay không, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng sẽ vẫn lên tiếng trước những vấn đề liên quan tới điện ảnh. Chỉ có điều, những người trong nghề sẽ cảm thấy tiếc nuối.
- Thời gian qua, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng như anh và nhiều nhà làm phim lên tiếng về những bất cập trong Luật Điện ảnh cũng như việc kiểm duyệt phim. Mọi người không lo lắng về những rủi ro mình có thể gặp phải nếu sau này có phim cần được duyệt để ra rạp?
Nhiều nhà làm phim có nỗi sợ đó lắm nên họ im lặng. Bản thân tôi hồi trẻ cũng có, nhưng bây giờ tôi nghĩ nếu như những ý kiến của mình có thể đóng góp gì đó cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam thì mình nên làm.
Nếu Luật Điện ảnh cũng rõ ràng như Luật Giao thông thì mọi chuyện đã rất dễ dàng cho nhà làm phim và chúng tôi cũng sẽ không phải lên tiếng mà chỉ tập trung vào công việc của mình.
Nhiều người cho rằng, các nhà làm phim chúng tôi đang đấu tranh. Tôi lại không nghĩ thế. Tôi, các nhà làm phim, các cơ quan quản lý, ngay cả Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim truyện đều có chung mục đích là muốn cho điện ảnh Việt Nam phát triển. Chỉ có điều, do các quy định của chúng ta chưa được rõ ràng, nên khi vào công việc cụ thể, chúng ta lại thành làm khó nhau.
- Trong những ngày qua, khi theo dõi những bàn bạc về việc sửa đổi Luật Điện ảnh, anh thấy thế nào?
Mình phải tin vào khán giả. Trong thời buổi hiện nay, chỉ cần một cái click chuột, họ có thể tiếp cận với mọi nội dung mà họ mong muốn. Vậy tại sao chúng ta phải căng với phim chiếu rạp? Mình nên trao quyền cho khán giả sau khi có bộ tiêu chí rõ.
Bây giờ cạnh tranh toàn cầu, ngoài phim chiếu rạp còn có vô số phim trên không gian mạng, trong khi ta cứ khắt khe với phim chiếu rạp, thiệt hại cho cả nhà sản xuất, phát hành và cả khán giả.
Bình luận