- Đảm nhận vai trò mới là thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia, chị đối mặt với những áp lực gì?
Khi Cục trưởng Cục Điện ảnh mời tham gia, tôi không có áp lực gì, chỉ nghĩ đơn giản nhận lời để ủng hộ tư lệnh ngành mà mình quý mến. Tôi tin rằng Cục trưởng mới sẽ làm được nhiều điều mới mẻ cho ngành. Và nếu như làm được điều gì để chung tay thì tôi sẽ làm.
Một lý do cũng quan trọng nữa đó là tôi thực sự tò mò về công việc của Hội đồng duyệt vì cá nhân tôi cũng từng có trải nghiệm khá thăng trầm xoay quanh việc mang những phim mình sản xuất đi duyệt.
Áp lực cụ thể trong công việc thì có đấy. Với một người làm phim như tôi, xem phim vừa là niềm vui thích, nhưng cũng là thói quen của nề nếp lao động hàng ngày. Khi tham gia Hội đồng thẩm định, việc xem phim thành ra khác hẳn. Mình không còn thoải mái đến với bộ phim trong trạng thái yêu thích hay bực tức một cách nhanh chóng được nữa. Công việc duyệt phim mà thật sự khách quan thì sẽ phải căn cứ theo Luật chứ không theo hướng phê bình thưởng thức. Nên phim dù hay, dù muốn vấn vương trò chuyện cũng phải để lại mà duyệt tiếp phim khác. Phim mà chán ơi là chán thì cũng vẫn đề nghị cấp phép phổ biến theo đúng phân loại độ tuổi phù hợp thôi…
- Hội đồng duyệt phim quốc gia phải gánh vác một khối lượng công việc khá lớn khi ngày càng có nhiều phim Việt lẫn phim ngoại ra rạp. Trong khi đó, Hội đồng những nhiệm kỳ trước nhận được nhiều ý kiến phản hồi, dư luận chê trách từ giới điện ảnh và dư luận xã hội khi có nhiều sai sót, cũng như cơ chế kiểm duyệt phim còn cứng nhắc. Vậy Hội đồng nhiệm kỳ mới này sẽ có nhiều thay đổi?
Nếu quá tải, sai sót không phải chỉ riêng điện ảnh đâu mà bất kỳ công việc nào cũng sẽ có. Chúng ta luôn luôn phải giữ một tỷ lệ cân bằng, có nghĩa là đủ thời gian, đủ nhân sự, đủ tài chính, đủ nguồn lực… thì mới có thể đảm bảo tốt được công việc của mình. Đặc biệt với các công việc có đặc thù như thẩm định nghệ thuật.
Tôi hoàn toàn chia sẻ nếu như một ai đó vì sức khoẻ, vì áp lực, thời gian hay tiền bạc mà không thể làm đủ tốt như mình kỳ vọng. Lúc này ở vai trò quản lý, sẽ cần có sự chia sẻ, thấu hiểu và điều phối sao cho hợp lý. Nghe hơi lý thuyết đúng không?
Tôi nghe nói (vì mình lính mới, không biết nhiều về công việc của các anh chị tiền nhiệm) Hội đồng duyệt phim năm nay đã có xu hướng trẻ hoá. Độ tuổi giảm xuống và gương mặt cũng rất mới luôn. Lẽ thường thì quan điểm và cách nhìn sẽ xanh tươi hơn. Tuy nhiên, tôi cũng không thực sự dám chắc, bởi vì tôi mới có 3 tuần làm việc với Hội đồng, và trong 3 tuần đó, chúng tôi không xem quá nhiều phim gây tranh cãi để có thể bộc lộ được những quan điểm khác nhau.
Vả lại, tôi nhận ra rằng, mọi người trong Hội đồng có quan điểm khá cấp tiến, dù trẻ hay cao niên. Những phim chúng tôi đã duyệt trong thời gian vừa rồi có khá nhiều phim hành động, bạo lực, kinh dị, và tôi thấy biên độ chấp nhận trong thưởng thức của mọi người rất rộng. Tôi thậm chí còn phải đặt câu hỏi là “Ồ, vậy thì tại sao những bộ phim Việt trước đây làm về đề tài kinh dị hoặc hành động, mọi người lại quá khó khăn khi cho ra rạp chiếu đến như vậy?”. Vì với cách mà Hội đồng hiện tại đang đánh giá, tôi thấy mọi người rất cởi mở. Thậm chí tôi đang hy vọng các bạn làm phim bây giờ chắc sẽ không gặp quá nhiều khó khăn với Hội đồng duyệt. Nếu mọi chuyện vẫn như những tuần vừa qua.
- Các quy định kiểm duyệt phim thường khá mơ hồ, chẳng hạn như thế nào là vi phạm “thuần phong mỹ tục”, hay cảnh nóng, cảnh bạo lực thế nào là đủ… Hơn nữa, các đánh giá, nhận định của cơ quan kiểm duyệt bị nói thường không rõ ràng và còn mang tính chủ quan. Cá nhân chị nghĩ sao và khi duyệt phim thì chị sẽ áp dụng những quy định đó thế nào?
Đầu tiên nói về luật nhé, tôi đồng ý với bạn khi đòi hỏi sự rõ ràng hơn – chi tiết hơn trong luật. Mọi thứ trong luật nếu như càng chi tiết và minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Sự mơ hồ làm khó cho tất cả, không phải chỉ người có phim mang đi duyệt mà chính người duyệt chắc chắn cũng sẽ không ít dịp phải phân vân. Và khi mà đã khó thì sự thiệt thòi rơi xuống khán giả là rất dễ hiểu thôi.
Tôi cũng không hiểu vì sao trong quá trình lâu dài với kinh nghiệm thẩm định rất nhiều phim cả phim Việt Nam lẫn phim nước ngoài, mà chúng ta vẫn chưa có được căn cứ đủ đa dạng, đủ chi tiết để những người làm luật có thể tham khảo.
Tiếp theo là tính chủ quan trong đánh giá từ cơ quan kiểm duyệt. Cái này thì mình phải căn cứ trên thực tế, chứ không thể nói suông được đâu. Ví dụ cần phải được tiếp cận các phiếu đánh giá, các văn bản cấp phép phổ biến, các quyết định với từng bộ phim... thì mới có thể biết khách quan hay chủ quan, rõ ràng hay mơ hồ. Còn từ kinh nghiệm của người đã sản xuất và mang kha khá phim đi duyệt thì tôi lại thấy văn bản hướng dẫn của hội đồng khá cụ thể, rõ ràng. Cái chính là cách nhìn và cách hiểu.
Theo kinh nghiệm của mình, tôi nhận ra rằng lần nào chúng tôi được đối thoại thì lần đó kết quả kiểm duyệt sẽ đem đến sự đồng thuận rất lớn. Còn lần nào mà chúng tôi không thể có được sự đối thoại thì nó sẽ để lại dư chấn mà tôi cho rằng không tốt đẹp cho cả hai phía. Mà rồi sự thiệt thòi lại rơi xuống bộ phim và công chúng.
Tôi nghĩ đối thoại trực tiếp giữa hội đồng và người đại diện cho bộ phim là cần thiết.
- Bản thân chị là một người làm phim và bây giờ lại đứng ở vị trí là người thẩm định các bộ phim thì có lẽ là chị sẽ có nhiều sự đồng cảm hơn với những nhà làm phim trẻ mang phim đi duyệt?
Tôi là người làm phim độc lập, gần như tất cả những tác phẩm mà tôi làm hoặc tôi sản xuất cho anh em bạn bè đều theo dòng này. Và hầu hết đều gây tranh cãi hoặc đều gặp một vấn đề gì đó với Hội đồng duyệt phim quốc gia. Tôi không dám nói rằng mình là người hiểu rất rõ hoặc là hiểu hơn hẳn những người khác, nhưng mà đúng là tôi có trải nghiệm sống động thật.
Ở trong hội đồng duyệt nghĩa là mọi ý kiến và quyết định đều có tác động đến đường đi của bộ phim khi đến với công chúng. Tôi sẽ đứng về phía bộ phim, trân trọng sự sáng tạo của những người làm phim. Tôi trân trọng những người thực sự muốn thông qua điện ảnh để đem đến một cái nhìn mới mẻ. Nên không cần yêu cầu, tự tôi sẽ luôn rất cẩn thận trước khi đưa ra quyết định của mình.
Tôi không muốn kiểm duyệt trở thành lưỡi kéo ngăn cản sự sáng tạo của người làm phim và cũng ngăn cản luôn cả khả năng thưởng thức của người xem.
Phải làm thế nào để những nghệ sĩ có được khoảng trời rộng hơn để họ có thể dám làm điều mà họ muốn. Và hơn thế nữa, sự dám làm này không những được bảo vệ mà còn phải được nâng đỡ. À, tôi nói cứ như tôi đang ứng cử đại biểu Quốc hội ấy nhỉ.
- Quan sát những bộ phim ra rạp thời gian gần đây, chúng ta thấy có sự cởi mở nhất định từ phía Hội đồng duyệt phim. Những cảnh bạo lực rồi những cảnh nóng đã được phép xuất hiện dày đặc hơn và được phân loại độ tuổi. Đó có phải là một tín hiệu đáng mừng đối các nhà sản xuất phim Việt Nam không?
Thực ra đã có sự thay đổi rất lớn kể từ khi Luật Điện ảnh áp dụng quy định phân loại theo độ tuổi. Cách phân loại này đồng thời cũng mở ra cơ hội rất lớn cho những người làm phim nếu như họ theo đuổi những dòng đề tài mà xưa nay chúng ta hay gắn với chữ “nhạy cảm”. Sẽ luôn có đối tượng khán giả phù hợp được tiếp cận hợp pháp với tác phẩm.
Ở đây sự nhạy cảm không chỉ đơn giản là những bộ phim có đề tài về tính dục mà nó còn là những bộ phim nặng đô về hành động, về bạo lực hoặc những bộ phim dễ bị rơi vào ranh giới rất mong manh của khái niệm mê tín dị đoan...
Tôi khá kỳ vọng vào những thay đổi trong ngành, nỗ lực đến từ nhiều phía, người sản xuất, người phát hành, người quản lý... Hội đồng duyệt mới với cách nhìn thông thoáng sẽ làm cho người sáng tạo cởi bỏ được gánh nặng và nỗi sợ “phạm luật”. Nhưng so với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của khán giả, rồi nhìn thẳng vào thực tế, thì những thay đổi vẫn chưa nhiều, chưa đủ, và cũng chưa nhanh.
- Có thể thấy gần đây một số các bộ phim của Việt Nam đa số là phim chuyển thể và làm lại các kịch bản của nước ngoài từ các tiểu thuyết, truyện, web-drama. Có phải các nhà làm phim của chúng ta thiếu sự sáng tạo cũng như ngại mạo hiểm đối với các kịch bản nguyên gốc?
Về mặt số lượng, chúng ta không có nhiều lựa chọn kịch bản nguyên gốc để mạo hiểm. Thứ hai, về mặt chất lượng, đây không phải lời phàn nàn đến từ một cá nhân mà đến từ rất nhiều người làm phim, những đạo diễn, những nhà phát hành, những nhà đầu tư… Chúng ta thực sự là không có nguồn kịch bản gốc đủ chất lượng khiến cho những người làm trong ngành này sẵn sàng với nó.
Bên cạnh đó, những kịch bản phim remake trong xu thế thương mại toàn cầu hoá thì lại được đóng gói đúng chuẩn nhanh-nhiều-tốt-rẻ. Nên lựa chọn đầu tư và kiếm tìm một sáng tạo nguyên gốc, vào thời điểm này, tại Việt Nam, bỗng thành ra mạo hiểm.
Hiểu là mạo hiểm nhưng tôi vẫn cho là cần đối mặt hơn là thuận theo. Chúng ta mua bản quyền hoặc chuyển giao bản quyền cho rất nhiều quốc gia, rất nhiều nhà làm phim cùng làm một bản sao tác phẩm...thì sẽ dẫn đến một giai đoạn quá độ, khi mà một tác phẩm, một nội dung được bán đi bán lại và được thể hiện quá nhiều lần tại nhiều địa điểm bởi nhiều người khác nhau. Nhân danh lợi nhuận và tất nhiên cả sự an toàn nữa. Chúng ta sẽ rơi vào tình huống sáng tác oái oăm. Mang tên toàn cầu, gia giảm chút ít gia vị, còn lại thì...
- Vậy theo chị, lý do nào khiến cho gần đây Việt Nam đang rất thiếu kịch bản và thiếu những biên kịch xuất sắc đủ để tạo nên tác phẩm nguyên gốc chất lượng?
Ngày xưa tôi hay đổ lỗi cho đào tạo. Bởi vì tôi chẳng biết đổ lỗi cho cái gì khác ngoài đào tạo. Cho đến bây giờ, tôi nghĩ đào tạo của chúng ta chưa tốt lên, cũng không có nhiều thay đổi nên cái lỗi của đào tạo vẫn còn đó. Nhưng còn một lỗi nữa đấy là chúng ta chưa đủ chuyên môn hoá sâu sắc về mặt vai trò và nghiệp vụ. Tại Việt Nam, vai trò của người làm biên kịch cũng bị coi nhẹ.
Kịch bản gốc giờ lại chưa được đánh giá cao, thậm chí bị coi là mạo hiểm, khi đặt cạnh nguồn kịch bản remake dồi dào.
Một điểm nữa là thù lao cho những người làm biên kịch có vẻ không được cao bằng những bộ phận khác. Sức hút của chuyên ngành biên kịch không đủ lớn. Khi chúng ta không có số lượng đông đảo những người theo học ngành nghề này thì số người làm sẽ rất ít.
Xin cảm ơn chị!
Nguyễn Hoàng Điệp là một gương mặt nổi bật trong những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của chị là "Đập cánh giữa không trung". Bộ phim được công chiếu tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế Venice (Settimana de la Critica) Liên hoan phim quốc tế Venice năm 2014, ngay sau đó nhận giải “Best Film” của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA). Phim đã có buổi công chiếu Bắc Mỹ thành công tại Liên hoan phim quốc tế Torontovà công chiếu châu Á tại LHP Quốc tế Busan. Bộ phim cũng được mời tham dự nhiều LHP uy tín trên thế giới tại Đan Mạch, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ… Tại liên hoan phim Bratislava năm 2015, bộ phim đã mang về cho Nguyễn Hoàng Điệp giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất. Nguyễn Hoàng Điệp cũng vinh dự được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật & Văn chương. Nguyễn Hoàng Điệp là nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam được nhận vinh dự này.
Bình luận