Theo những gì mà truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên truyền thì sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình đang mở lại các tuyến đường thương mại xưa trên thế giới – các tuyến đường từng được biết đến với cái tên “Con đường Tơ lụa”.
Và nhánh đầu tư thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc chuyên giám sát các dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy thương mại của BRI trị giá 1.000 tỷ USD được gọi bằng cái tên “Quỹ Con đường Tơ lụa”.
Thuật ngữ lịch sử này gợi lại hình ảnh các đoàn thương lái lụa và các mặt hàng khác đi qua sa mạc từ Trung Quốc đến Trung Á và các thị trường châu Âu. Nó cũng gợi nhớ về các chuyến đi của nhà thám hiểm thành Venice, Marco Polo – một trong các thương lái châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc.
Các tài liệu tuyên truyền cho BRI còn thường xuyên hướng tới một “Con đường Tơ lụa phương Nam” – một tuyến đường thương mại được cho là bắt nguồn từ tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc và đi qua vùng đất là Myanmar ngày nay tới Vịnh Bengal và tiểu lục địa Ấn Độ.
Nhưng không có bằng chứng lịch sử xác đáng nào về một “Con đường Tơ lụa phương Nam” kết nối Trung Quốc với Ấn Độ, trong bối cảnh Trung Quốc đã nỗ lực nhiều lần để xâm nhập thị trường Myanmar nhưng thất bại. Về mặt lịch sử, Trung Quốc cũng đã không tham gia các hoạt động hàng hải thúc đẩy thương mại sau khi nhà thám biển hàng hải cổ xưa duy nhất của nước này - Trịnh Hòa, vượt Ấn Độ Dương vào thế kỷ 15.
Thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” bắt nguồn từ đâu?
Trong thực tế lịch sử, thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” là một cách định danh sai có nguồn gốc tương đối mới và cách định danh này dựa trên thuyết lấy châu Âu làm trung tâm.
Lars Ellström, một nhà Hán học nổi tiếng người Thụy Điển từng đi bộ theo chiều dài của Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2011 đã tóm tắt thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” trong cuốn sách du lịch của mình mang tên “Con đường tới Kashgar”.
Ellström giải thích: “Cái tên ‘Con đường Tơ lụa’ gắn với phương Tây có lẽ vì nó có một ấn tượng (sai) rằng chính thương mại của Trung Quốc với châu Âu mới là quan trọng nhất, ngoài ra còn có lý do nữa là thuật ngữ này nghe rất lạ tai và thú vị”.
Theo Ellström, đây cũng là lý do mà ở Trung Quốc ngày nay người ta lại sử dụng thuật ngữ này – đây là cách để tiếp thị hiệu quả cho quốc gia và ngành du lịch của họ.
Thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” cũng giúp mềm hóa ý tưởng “Vành đai và Con đường” trước một cộng đồng thế giới rộng hơn. Dự án “Vành đai và Con đường” hiện đang vấp phải sự chỉ trích ngày càng tăng do mối lo ngại nó gây ra các “bẫy nợ” có thể làm xói mòn chủ quyền ở các quốc gia tiếp nhận dự án này.
“Con đường Tơ lụa” không phải là thuật ngữ gốc Trung Quốc. Thực sự thì nó mới chỉ được sử dụng chính thức ở Trung Quốc vào năm 1989, khi Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh xuất bản một cuốn sách của tác giả Che Muqi có nhan đề “Con đường Tơ lụa: Quá khứ và Hiện tại”.
Cuốn sách của Che Muqi đã không đề cập thuật ngữ tiếng Đức “Seidenstrasse” (và dạng số nhiều của nó là Seidenstrassen), có nghĩa là Con đường Tơ lụa. Thuật ngữ tiếng Đức này do Ferdinand von Richthofen, một nhà địa lý Đức thế kỷ 19 tạo ra. Von Richthofen sử dụng thuật ngữ này trong các báo cáo hàn lâm của mình gửi đi từ Trung Á. Các báo cáo này được xuất bản lần đầu ở Berlin vào năm 1877.
Tuy nhiên thuật ngữ Seidenstrasse không được sử dụng phổ biến cho mãi tới tận khi một trong các học trò của Richthofen tại trường Đại học Humboldt ở Berlin bắt đầu sử dụng nó trong các nghiên cứu của mình vào thập niên 1930. Người học trò này là một nhà thám hiểm Thụy Điển tên là Sven Hedin.
Heden đã theo đúng hành trình mà Richthofen đã đi ở Trung Á. Vào năm 1936 ông xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Die Seidenstrasse” bằng tiếng Đức và “Sidenvägen” bằng tiếng Thụy Điển. Cuốn sách sau đó được dịch sang một số ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Anh vào năm 1938, và được biết đến với cái tên “The Silk Road” (Con đường Tơ lụa).
Hàng tơ lụa thời cổ đại bị khinh miệt ở La Mã
Hiện nay hoàn toàn không rõ chính xác vì sao mà cả Richthofen và Hedin lại lựa chọn thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” vì còn có nhiều mặt hàng khác nữa được buôn bán giữa Trung Quốc và châu Âu vào thời kỳ đó. Thực sự thì trong Đế chế La Mã cổ xưa, tơ lụa bị khinh rẻ trên diện rộng vì mặt hàng này bị coi là xa xỉ phẩm không đứng đắn lắm do tính chất mềm mại gợi dục và bề mặt lòe loẹt.
Warwick Ball, một nhà khảo cổ học sinh ra ở Australia, trong các tác phẩm của mình đã đề cập thuật ngữ “Con đường Tơ lụa” như là một điều hoang đường của học thuật hiện đại, bởi lẽ việc buôn bán gia vị giữa Ấn Độ và các nước Arab có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế của Đế chế La Mã và châu Âu trung cổ hơn là buôn bán tơ lụa với Trung Quốc.
Hơn nữa, nếu thực sự có cái gì giống với một “Con đường Tơ lụa phương Nam” kết nối miền nam Trung Quốc với Ấn Độ Dương thông qua Myanmar thì cái đó cũng chỉ giới hạn vào việc Trung Quốc nhập các ngọc bích từ các mỏ ở vùng đất ngày nay gọi là bang Kachin của Myanmar.
Ít có thương gia Trung Quốc đã mạo hiểm đi quá các mỏ ngọc thạch ở phía bắc hay xuống vùng đồng bằng trung tâm của Myanmar, nơi ít có các lợi ích thương mại vào lúc đó.
Đủ loại “Con đường Tơ lụa”
Hiện nay giới tuyên truyền của Trung Quốc đang bận rộn vẽ ra đủ loại “Con đường Tơ lụa Mới” dựa trên các con đường tơ lụa quá khứ. Ngoài các Con đường Tơ lụa “Mới”, “phương Nam”, và “Biển”, Trung Quốc còn đang rậm rịch tạo ra một “Con đường Tơ lụa trên Băng”, kết nối Trung Quốc với các cảng miền bắc nước Nga ở Bắc Băng Dương.
Dự án Bắc Băng Dương cũng chứng kiến các công ty Trung Quốc và Nga hợp tác trong khai thác dầu khí ở vùng biển mở. Trung Quốc chưa tung ra bất cứ cơ sở lịch sử nào cho “Con đường Tơ lụa Băng” vì các tuyên bố như thế sẽ ít thuyết phục hơn so với các “Con đường Tơ lụa” khác.
Nhưng không có gì bảo đảm việc Bắc Kinh tung ra cách nhìn nhận mới về “Con đường Tơ lụa” có dọn được đường cho tầm nhìn hiện đại của BRI về một trật tự thương mại toàn cầu mới lấy Trung Quốc làm trung tâm hay không. Trên thực tế, sự kháng cự đang gia tăng trên nhiều cung đường của các “Con đường Tơ lụa Mới”.
Một nhân tố quan trọng của “Con đường Tơ lụa phương Nam” trong BRI là Hành lang Kinh tế Bangladesh-Ấn Độ-Myanmar. Myanmar nằm giữa tầm nhìn “Con đường Tơ lụa mới” của Bắc Kinh, với các kế hoạch về đường sắt tốc độ cao, đường cao tốc và một cảng biển nước sâu. Thế nhưng các quan ngại về khả năng một “bẫy nợ” đã làm giảm quy mô các dự án chi phí cao trước đây.
Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan kết nối tỉnh Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc với cảng Gwadar của Pakistan ở biển Arabia thì lại không nhất quán với tầm nhìn lịch sử về dòng di chuyển tự do của người và hàng hóa.
Như vậy có thể thấy là Trung Quốc ngày nay đang nỗ lực sử dụng quá khứ khá mơ hồ để viết lên những Con đường Tơ lụa thời hiện đại khi họ nỗ lực vươn ra ngoài biên giới nước mình để xây dựng các con đường và hạ tầng thúc đẩy thương mại. Nhưng có lẽ Richthofen sẽ không ngờ được là thuật ngữ Seidenstrassen của mình sẽ được sử dụng theo hướng chính trị như thế này.
Cũng như trên Con đường Tơ lụa thời xưa, “Vành đai và Con đường” ngày nay sẽ vấp phải nhiều đối thủ muốn cạnh tranh với Trung Quốc như Mỹ, EU, Ấn Độ và Nhật Bản... Nhưng sự cạnh tranh này sẽ mang cả yếu tố địa chiến lược chứ không chỉ thuần túy thương mại như xưa./.
Bình luận