Theo ông Phụng, ông đã có thời gian nghiên cứu về đánh giá tài sản, trong đó có vấn đề đánh thuế tài sản bất động sản. Về lâu dài cần có 1 đạo luật để thực hiện vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được.
"Tôi cũng lấy làm tiếc trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản bất động sản", ông Phụng nói.
Tuy nhiên, theo ông Phụng, việc đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3 cần phải có lộ trình: khi nào đánh, đánh bao nhiêu và liệu có quản lý được không, Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia để thực hiện vấn đề này.
"Tôi cho rằng cần phải có cơ sở thuế rộng thì mới thu thuế được nhiều. Cơ sở thuế là các giao dịch mang lại nguồn thu cho người dân, cho doanh nghiệp và khi mở rộng cơ sở thuế bằng việc phát triển thị trường, công khai thông tin, phát triển chính sách trung và dài hạn thì thu thuế mới bền lâu. Do đó, chúng ta cần thị trường bất động sản lành mạnh, thoả mãn nhu cầu về nhà ở", ông Phụng nói.
Thực tế, sau nhiều năm đổi mới, nhiều người ở nông thôn có tiền muốn mua ngôi nhà ở Hà Nội cho con cái học hành thì chúng ta phải khuyến khích chứ không làm giảm nhu cầu được. Chúng ta có hai thời kỳ bất động sản bị đóng băng và ở mỗi thời kỳ, Chính phủ, Quốc hội đưa ra những chính sách để phù hợp và nâng đỡ thị trường bất động sản trong giai đoạn đó.
Video: Điểm mặt các dự án sai phạm nghìn tỷ đồng tại Thủ đô
Cho đến nay, thị trường đã có những phục hồi đáng kể. Ông Phụng cho rằng, khi chúng ta chưa công khai được các thông tin về quy hoạch, giao dịch thì sẽ vẫn còn tạo ra hiện tượng đầu cơ. Nếu thị trường được công khai thì sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề này.
Ở nước ngoài, người ta đánh thuế tài sản căn cứ vào giá trị của bất động sản. Phần đất mới nhiều chứ phần nhà không bao nhiêu nên dù là thuế nhà hay thuế đất thì cũng vẫn là vấn đề của bất động sản tạo ra.
Thực tế, cơ quan tài nguyên và môi trường và cơ quan thuế chưa có việc liên thông về quản lý đất, nhà. Hiện nay đang kêu gọi thực hiện Chính phủ điện tử để có thể công khai minh bạch thông tin nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn.
"Tôi cho rằng chúng ta cần làm tốt thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và xem xét cái gì không hợp lý thì sửa đổi cho phù hợp. Nếu quản lý chưa được mà đã đưa ra thông điệp sớm thì sẽ có khả năng gây xáo trộn thị trường", ông Phụng nói.
Cũng theo ông Phụng, đơn giản, công bằng, hiệu quả, khả thi là những tiêu chí cần đưa ra khi tiến hành xây dựng và thực thi các chính sách.
Đánh thuế nhà ở thứ 2 hiện mới chỉ là câu chuyện bàn luận của thị trường. Bộ Tài chính hiện mới nghiên cứu. Liên quan đến thị trường bất động sản, tôi đồng tình với ý kiến các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp.
"Về phía Bộ Tài Chính, chúng tôi hiểu mặc dù ngành thuế đã công khai thông tin nhưng thiết nghĩ cần có những chuyên đề chuyên sâu để thông tin cho thị trường. Với pháp luật hiện tại, chúng ta hãy bình tĩnh rằng đánh thuế nhà ở thứ 2 mới là đề xuất của thị trường, phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu mới có thể ban hành", ông Phụng nhấn mạnh.
Hiện đã có nhiều chính sách thuế liên quan đến bất động sản, thuế nhà chưa đánh. Thuế đất được thu để bù đắp chi phí hạ tầng, Nhà nước để toàn bộ cho địa phương. Khi chuyển nhượng bất động sản thì cá nhân bị đánh thuế 2%, với doanh nghiệp bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, do đó chúng ta đang làm trong khuôn khổ chung với chính sách bất động sản rất rõ ràng. Với đất bỏ hoang, việc đánh thuế nên dựa theo nguyên tắc phải đánh thuế người.
"Chúng ta không thể coi thuế là chìa khoá vạn năng. Thuế chỉ tham gia vào quản lý thị trường, dựa trên nền tảng kinh tế. Hy vọng có thêm nhiều kênh thông tin, các Hiệp hội cần tăng cường thông tin cho hội viên và thị trường hiểu rõ về các chính sách thuế", ông Phụng nói.
Bình luận