Theo ông Trần Như Trung - Phó Tổng GĐ Tập đoàn Nam Cường, không phải tự nhiên mà chúng ta đánh thuế nhà ở thứ 2. Nếu tăng thuế sẽ sử dụng hiệu quả hơn, tăng thuế sẽ chống được đầu cơ. Nhưng, chúng ta cần làm rõ mục tiêu của việc đánh thuế nhà ở thứ 2 là gì?
Nếu đánh thuế nhà ở thứ 2 hiệu quả hơn sử dụng đất thì ông Trung cho rằng còn nhiều điều cần phải bàn - đó là chất lượng sử dụng đất, làm thế nào chúng ta sử dụng đất hiệu quả hơn?
“Chúng ta đã bàn đến ví dụ thu thuế đất của Singapore. Chính sách nhà ở của đất nước này hoàn toàn khác với Việt Nam. Toàn bộ phần vốn là từ Nhà nước, chính sách nhà ở của Singapore rất thành công nên người Singapore và người ngoại quốc đã chen nhau mua nhà thứ 2, thứ 3. Thuế đầu tiên mua nhà thứ 2 là 3%, nhà thứ 3 là 5%...” - ông Trung nhận định.
Phân tích bài học về việc đánh thuế với bất động sản thứ 2 ở các nước, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, cần phải cẩn thận với trường hợp của Việt Nam.
Bởi, cần hiểu mục đích đánh thuế bất động sản thứ 2 là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế để cân bằng.
Video: Đề xuất tăng thuế VAT: Tăng thu hay tận thu?
Trong khi đó, tại Việt Nam thị trường bất động sản đang phát triển lành mạnh. Qua nghiên cứu của Savills, có thể thấy việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi mà áp dụng đánh thuế bất động sản thứ 2 thị trường sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường.
Ông Matthew Powell đưa ra dẫn chứng: Một trong những trường hợp có thể thấy rõ nhất là tại Singapore, nước này đánh thuế nhà ở thứ 2 với người dân trong nước từ 3-10%, với người nước ngoài là 10-15%. Nhưng trường hợp của Việt Nam hoàn toàn khác biệt. Singapore đưa ra chính sách thuế bất động sản thứ 2 khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, có quá nhiều cầu mà không đủ cung, do đó Chính phủ đưa ra chính sách thuế để cân bằng thị trường.
Ở Việt Nam thì ngược lại, cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam.
“Một góc độ khác, nguồn cầu của người nước ngoài hiện chưa cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhiều. Do đó, đây là thời điểm cần khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt sau luật mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Chính vì vậy, ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nghĩ không nên đưa thêm những chính sách mang tính thắt chặt, giảm sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài với bất động sản Việt Nam. Chúng tôi cũng đồng ý rằng chúng ta cần nhìn vào những tình huống khi nguồn cung và cầu không cân bằng và khi nợ xấu của các ngân hàng tăng cao thì chúng ta cần cân nhắc tới các chính sách siết chặt” - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết.
Để có giải pháp bền vững thị trường bất động sản ở Việt Nam, theo Savills có 3 mục đích: Giảm thiểu hệ lụy xấu với thị trường; Cho phép nhiều người có nhu cầu thực sở hữu tài sản bất động sản; Phát triển thị trường theo hướng tích cực nhất.
Thêm vào đó cần có thông tin mở về các dự án bán và giá bán tới người mua, giúp các thông tin đưa ra được rõ ràng và minh bạch với người mua nhà. Ngoài ra, cần có những định nghĩa và phân loại rõ ràng các loại hình bất động sản trên thị trường: NƠXH, nhà ở mức trung bình cho người nhu cầu thực và người mua là người nước ngoài, từ đó xây dựng các chính sách và thuế dựa trên những nhóm đối tượng này.
Còn ông Lê Việt Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đồng ý việc đánh thuế, nhưng chỉ đánh thuế khi giải quyết được những thách thức hiện tại.
Tuy nhiên, những bất hợp lý có thể nhìn thấy ngay khi đánh thuế nhà ở thứ 2. Đó là: Sẽ xuất hiện những trường hợp nhờ người đứng tên nhà trốn thuế và nảy sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, nhà lớn hay nhỏ cũng phải bị đánh thuế, dẫn đến giá trị đóng thuế chênh lệch khá lớn, không đảm bảo sự công bằng. Đánh thuế sẽ giết chết thị trường nhà cho thuê vì giá thuê sẽ cao lên, người nghèo thuê nhà mà cõng thêm thuế nữa thì sẽ không chịu được.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2 trở lên đã áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên họ là những nước có thị trường BĐS minh bạch, có hệ thống quản lý dữ liệu chặt chẽ.
Tại Việt Nam, chúng ta hiện nay hệ thống dữ liệu thông tin liên thông chưa được kết nối hoàn chỉnh giữa các địa phương và trên toàn quốc. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể xác định được ai sở hữu nhà ở thứ 2 trở lên để mà đánh thuế?
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hải nhận định cần thiết đánh thuế tài sản trên đất nhưng tại thời điểm này là chưa phù hợp. Đánh thuế để các chủ đầu tư có trách nhiệm khai thác nguồn lực một cách hiệu quả, mang lại nguồn thu cho ngân sách, tránh tình trạng bỏ hoang tài nguyên đất. Nhưng trước tiên, cần phải sửa đổi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Đối với thị trường bất động sản thì cần có chính sách sớm, có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận thực hiện chính sách đó cho phù hợp. Chính phủ cần có chính sách tác động đến thị trường BĐS một cách thận trọng, tránh sốc thị trường…
“Bốn tiêu chí cho một chính sách là: Đơn giản, hiệu quả, công bằng và khả thi thì đề xuất đánh thuế nhà ở thứ hai đều chưa đáp ứng được” - ông Hải nêu ý kiến.
Bình luận