Video: Cô giáo ở trường tiểu học Phan Chu Trinh có hành vi bạo lực với học sinh
Vụ việc cô giáo trường tiểu học ở TP.HCM có hành vi đánh, mắng học sinh trong lớp vì lý do không hiểu bài lan truyền trên các diễn đàn mạng xã hội, nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Từ quan niệm "thương cho roi cho vọt", một số người cho rằng việc làm trên của cô giáo là hoàn toàn bình thường, chỉ là do một đại bộ phận phụ huynh đã làm lớn mọi chuyện. Tuy nhiên, một số khác lại bày tỏ hình thức từ thời xưa thì vốn dĩ không hề phù hợp với môi trường hiện đại thời nay, cô giáo này cần phải bị "trừng phạt" vì việc mình đã làm.
Nếu con hư, cô giáo có quyền phạt hoặc đánh đòn
Đồng tình với quan điểm "Thương cho roi cho vọt", độc giả H.N.M bày tỏ: "Thời còn đi học, mình nhớ rằng các phụ huynh còn biểu quyết đồng ý cho giáo viên có thể đánh và phạt nếu cần thiết. Các thầy, cô giáo ngày xưa cũng đánh học sinh có mức độ, tuy nhiên với những học sinh cá biệt nghịch ngợm, quậy phá, không làm bài tập... có thể phạt quỳ hoặc chép phạt nhiều lần. Ngẫm lại học trò nên nguời nhờ những lần "roi vọt" ấy".
“Nhiều năm trở lại đây, học sinh ngổ ngáo xuất hiện ngày càng nhiều, dù chỉ mới lớp 9, 10 đã vi phạm hình sự. Chính vì vậy, phụ huynh hãy để việc học theo tự nhiên của trường lớp, đừng can thiệp quá sâu”. Không tự nhiên vì sao các cô phải đánh học sinh? Vì chúng hư và bướng bỉnh", N.B có ý kiến.
N. L nói rằng họ trưởng thành và lớn lên phần lớn nhờ nguyên tắc "thương cho roi cho vọt", "tôn sư trọng đạo". Khi cho con mình đi học mầm non, anh đã nói với giáo viên "nếu con tôi hư, cô giáo có quyền phạt hoặc đánh đòn". Và kết quả đúng như anh mong đợi, cháu ngoan và biết nghe lời.
S.A bình luận: "Giới trẻ bây giờ không được dạy dỗ đàng hoàng sau ra đời lại không biết đối nhân xử thế. Liệu có ai tự tin rằng ở nhà chưa từng tức giận mà đánh con mình không? Khi đi học, mới chỉ hơi một chút đã bày đặt lu loa khiến cho rối ren sự việc.
Cô giáo có thâm niên 10 năm trong nghề, có kinh nghiệm chăm sóc, dạy học cho trẻ. Thay bằng việc mọi người ngồi đây lên án, trì triết, hãy bình tĩnh, thả lỏng và nhìn nhận vấn đề".
"Nếu không dạy được, xin đừng mạnh tay với con tôi"
Phản đối những ý kiến trên, độc giả H.Y viết: "Đúng là dạy thì phải phạt nhưng xin đừng lấy lí do "thương cho roi cho vọt". Thử hỏi thời xưa có nhiều trẻ bị tự kỉ như bây giờ không? Tại sao xã hội phát triển, kéo theo bao nhiêu điều tiêu cực và tích cực mà vẫn mãi ôm cái quan niệm xưa cũ đó.
Là người truyền dạy tri thức mà cư xử kiểu như cô giáo trên thì kí ức, tuổi thơ của con trẻ có được lành lặn? Khi lớn lên, có thể chúng cũng sẽ cư xử theo kiểu cô giáo từng dạy mình. Dẫu biết nghề nào cũng luôn có cái áp lực và những điều khó nói, nếu không thấy hợp với nghề thì nên tự viết giấy xin ra khỏi ngành".
H.L bình luận: "Làm sao mà so sánh với ngày xưa được, ngày xưa các cô chỉ đánh nhẹ nhàng, cảnh cáo cho biết sợ thôi, nhìn cảnh cô đánh học sinh như kẻ thù thế kia, nói thật chứ chắc các con nhìn thấy cô là hồn vía đã lên mây rồi còn tâm trí đâu mà học?
Tôi không mong con sẽ trở thành đứa trẻ hư, khó bảo nhưng nếu nhà trường không dạy được, xin đừng mạnh tay với cháu. Xin đừng ai ngụy biện hộ và lấy lý do cho hành động phản giáo dục đó nữa. Tốt nhất nên đuổi khỏi ngành, không thể chấp nhận hành vi của cô giáo này".
"Con bé nhà tôi năm nay học lớp 8. Khi gần kết thúc cấp 1 để chuẩn bị chuyển cấp đến một ngôi trường mới, cô chủ nhiệm của cháu khi ấy không quên dặn dò, nhắn nhủ học sinh của mình cố gắng học tập, đạt hạnh kiểm tốt. Lúc đó, cả lớp đều vỡ oà, nấc nghẹn những lời của cô gửi gắm đến học trò của mình.
Mỗi năm đến ngày nhà giáo, cháu đều kêu mẹ chở đến trường cũ để hỏi thăm sức khoẻ cô và tặng cho cô một bó hoa hồng. Đó là cách dạy đạo đức đúng nghĩa nhà giáo của người cô có lòng vị tha hiền lành với trò của mình", M.H viết.
"Giáo viên đánh học học sinh cần ra khỏi ngành"
Q.T cho rằng, cần có cách kỷ luật nhân văn nếu trong trường hợp này, giáo viên là người thật lòng yêu trẻ. Tuy nhiên, nếu những vụ việc tương tự này diễn ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý học sinh.
Cô giáo đánh, tát học sinh như đang trút giận, bào mòn lòng tự trọng của các em, đồng thời làm mất tư cách của chính mình. Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, học sinh học theo cô giáo và từ đó một xã hội bạo lực sẽ hình thành.
K.O có ý kiến: Đây là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm phạm thân thể các cháu. Các bé mới chỉ lớp 2 quá bé bỏng nhưng cũng có thể cảm nhận bạo lực học đường đang len lỏi từ cách ứng xử phản giáo dục của cô. Tôi tin rằng những người như cô giáo này không có lý dó gì để giữ lại, đuổi và đuổi thẳng không có chuyện chuyển sang làm việc khác".
"Không ai phản đối hành vi phạt học sinh, nhưng phạt sao cho đúng với luật pháp và chuẩn mực đạo đức. Cô giáo đánh các cháu không hề ghê tay chứng tỏ đây là hành động được lặp đi, lặp lại nhiều lần.
Tránh để ảnh hưởng từ thể xác cũng như tinh thần của các cháu nhỏ, tôi cũng không đồng tình với việc để một cô giáo mang trong mình phẩm chất như vậy làm cái nghề "gõ đầu trẻ". Nghề cao quý nên để những người có năng lực và yêu thương trẻ con thực sự đảm nhận", là bình luận của H.A.H.
Bình luận