Tờ Soviet Sport thực hiện cuộc phỏng vấn với thủ môn Đặng Văn Lâm, trong bài gọi là Lev Dang, trước trận tứ kết Asian Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản. Lâm "Tây" đã có những chia sẻ về hành trình trở thành người gác đền số một của tuyển Việt Nam, từ những ngày khó khăn tưởng như không có chút hi vọng nào vài năm trước.
Đặng Văn Lâm bắt đầu câu chuyện với những ngày tháng tập luyện ở đội trẻ của Dynamo Moscow và Spartak Moscow. Không được ký hợp đồng chuyên nghiệp với CLB chủ quản, anh quyết định tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.
Vỡ mộng trong lần đầu tiên hồi hương gây dựng sự nghiệp
- Là một học viên của lò Spartak và Dynamo, cao tới 1m88, không quá khó để tìm kiếm một đội bóng ở Việt Nam?
Tôi cũng nghĩ như vậy khi đến Việt Nam. Tôi rất tự tin và nghĩ rằng không phải là họ chọn tôi mà là tôi được chọn giữa cả tá CLB muốn ký hợp đồng với mình. Tôi chỉ tìm địa chỉ các CLB trên Internet và gửi đề nghị ký hợp đồng.
- Có thành công không?
Tôi đến đội bóng đầu tiên ở Hà Nội. Tôi hỏi phòng thay đồ ở đâu và được chỉ ra một cánh cửa ở góc sân. Tôi mở ra, nhà vệ sinh. Tôi phải thay đồ trong nhà vệ sinh. Ai cũng làm thế. Tôi đã sốc. Tôi thấy ở đây trái ngược hẳn với Spartak và Dynamo. Tôi thay đồ, tập luyện và nhận ra đây không phải là nơi dành cho mình.
Tôi bay vào TP.HCM và chuyện diễn ra tương tự. Rồi tôi tìm đến một đội bóng tên là HAGL. Họ có liên kết với Arsenal, có một học viện và những cơ sở vật chất tiêu chuẩn. Tôi đến đó và ký hợp đồng với họ. Tôi tin chắc rằng đó là khởi đầu cho một câu chuyện tuyệt vời. Ở tuổi 18, tôi đã được tập với đội chính.
- Nhưng?
Mùa đầu tiên tôi không được thi đấu, chỉ tập luyện. Mùa thứ hai tôi cũng không được thi đấu. Tôi được gọi lên đội tuyển U19 Việt Nam, nhưng ở CLB, tôi vẫn chưa được ra sân.
- Lý do là gì?
Bản sắc. Việt Nam và Nga khác biệt rất lớn về văn hóa.
Đầu tiên, tiếng Việt của tôi chưa tốt. Thứ hai, tôi đến đó và cư xử như một người Nga. Tôi giống như một kẻ lạc loài. Họ không thích tôi, không thích gã người Nga này.
Năm đầu tiên, tôi may mắn vì được làm việc với HLV thủ môn người Thái Lan. Ông ấy không quan tâm tôi tới từ đâu hay nói ngôn ngữ gì. Chúng tôi làm việc rất ăn ý. Ông ấy nhận thấy tài năng của tôi. Tập luyện với ông ấy thì kể cả không thi đấu tôi cũng không thiệt thòi gì cả.
Video: Đặng Văn Lâm cứu thua xuất sắc trong trận Việt Nam vs Nhật Bản
- Họ không thích anh ở đó?
Đúng thế. Sau HLV người Thái là một HLV người Việt Nam. Họ có những cách làm riêng. Ở Nga, kể cả ở đội trẻ bạn có thể nói chuyện với huấn luyện viên bằng quan điểm của mình. Ở châu Á thì khác. HLV luôn đúng và bạn không được cãi lại. Ông ấy lớn tuổi hơn và hiểu chuyện hơn. Tôi không biết điều này và hay tranh luận với HLV, chất vấn ông ấy nhiều thứ. Ở Việt Nam thì việc đó được xem là hỗn. Cuối cùng họ đẩy tôi sang Lào theo dạng cho mượn.
- Tôi có thể mường tượng ra được bóng đá Việt Nam, nhưng ở Lào thì sao?
Anh sẽ không tưởng tượng được đâu. Nhưng tôi không hối hận vì đến đó. Tôi được thử thách ở Lào và nó đáng giá.
Cái nóng ở Lào như lửa địa ngục vậy. Ở Việt Nam khi dự báo thời tiết nói có gió Lào thì có nghĩa là không nên ra đường. Đội bóng của tôi có một cái xe buýt và dùng nó để đi đến sân tập hằng ngày. Nhưng nó chẳng bao giờ nổ máy được cả. Ngày nào chúng tôi cũng phải đẩy xe 10-20 mét để tài xế nổ máy. Xe cũng chẳng có điều hòa nữa. Ở Lào, trời nắng lên rất sớm, 8h sáng thì chiếc xe đã bị nung nóng rồi và không thể ngồi được. Phải dấp nước vào ghế để không bị bỏng.
Tôi về Việt Nam và nghĩ sẽ dễ dàng, nhưng hóa ra không phải. Sau 3 năm tôi chẳng đạt được mục tiêu nào.
Đặng Văn Lâm
- Đó có phải một đội bóng ở giải hạng nhất Lào?
Đúng đó là giải hạng cao nhất. Đó là mùa giải đầu tiên mà các CLB được dùng cầu thủ ngoại. Ở đây, bạn sẽ không biết được là có sân bóng đâu. Thỉnh thoảng trong các trận đấu, cách vài mét bên tay phải của thủ môn là một đống phân lớn. Hóa ra các sân bóng ở Lào không chỉ dùng cho bóng đá mà còn để chăn thả gia súc, trâu bò, dê... Đó là chuyện bình thường.
Ở CLB chúng tôi không có HLV thủ môn. Tôi, người nhiều kinh nghiệm nhất, sẽ hướng dẫn cho các thủ môn còn lại. Có lần, tôi thấy một chỗ cỏ ướt và các cầu thủ tập ở đó, lăn lộn và mặt dính đầy bùn. HLV trưởng đến và hỏi: “Sao lại tập ở đấy. Đó là chỗ tắm cho bò”.
- Anh trở lại Việt Nam sau mùa giải đó?
Tôi về Nga nghỉ ngơi và nghĩ rằng mình có thể trở lại HAGL. Nhưng chuyện xảy ra giống như ở Spartak. Họ không cần tôi và thanh lý hợp đồng.
- Ở Nga nếu phá vỡ hợp đồng thì cầu thủ rất vui vì được bồi thường lớn.
Bồi thường nào cơ? Chỉ có lời tạm biệt và mấy đồng lương thôi. Tôi nhận 500 USD mỗi tháng. Đủ sống. Nhưng tiền không phải là vấn đề chính. Tôi từ Nga về Việt Nam vì muốn được thi đấu. Tôi muốn được gọi lên đội tuyển quốc gia, nếu không phải Nga thì là Việt Nam để bố có thể tự hào về tôi. Tôi về Việt Nam và nghĩ sẽ dễ dàng, nhưng hóa ra không phải. Sau 3 năm tôi chẳng đạt được mục tiêu nào.
- Anh có nghĩ đến việc trở về Nga?
Tôi không muốn về lại, điều đó có nghĩa là sự nghiệp sẽ chấm dứt. Tôi sang Thái Lan, nhưng chẳng được gì. Tôi trở lại Việt Nam và chú tôi tìm được 1 đội bóng ở giải Hạng Nhất. Tôi ký hợp đồng nhưng không được ra sân.
Lần thứ hai về Việt Nam, bước nhảy vọt lên số 1 đội tuyển quốc gia
Năm 2015, Đặng Văn Lâm gây sốt trên truyền thông và mạng xã hội Việt Nam với bức tâm thư đăng trên Facebook cá nhân cùng tin nhắn gửi tới HLV Toshiya Miura, bày tỏ mong muốn được thử sức ở đội tuyển Olympic Việt Nam.
- Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Tôi không được gọi lên tuyển nhưng những ồn ào quanh lá thư đó giúp tôi tìm được bến đỗ. Trong vòng 1 tuần tất cả các báo Việt Nam đều viết về 1 chàng trai người Nga muốn chơi bóng ở Việt Nam. Một tuần sau, Chủ tịch CLB Hải Phòng gọi tới hỏi tôi muốn nhận lương bao nhiêu. Tôi nói lương không quan trọng, được chơi bóng là đủ rồi.
- Anh có vị trí chính thức ngay chứ?
Không. Thủ môn người Việt Nam của đội bóng là một biểu tượng. Tôi đến khi mùa giải mới bắt đầu, sau 9 vòng thủ môn chính bị thủy đậu. 33 tuổi, bạn có tưởng tượng được không? Lại đúng vào mùa giải hay nhất của anh ấy, 5 trận sạch lưới, đội bất bại 9 vòng liên tiếp và đứng đầu bảng. Anh ấy bị ốm, chúng tôi phải đấu với đương kim vô địch và tôi trấn giữ khung thành. Cơ hội đến và tôi sẵn sàng. Nhưng tôi vẫn lo lắng đến mức 3 ngày liền gần như không ăn uống gì cả.
- Trận đấu kết thúc ra sao?
Trận đấu có một kết quả buồn là chúng tôi thua 1-2. Những chỉ trích nhắm vào tôi vì tôi còn trẻ và phải có ai đó để đổ lỗi dù tôi đã chơi tốt. Tôi vẫn được Chủ tịch ủng hộ, nhờ đó được bắt trận tiếp theo và đó là trận đầu tiên tôi giữ sạch lưới ở Việt Nam. Sau đó tôi được gọi lên đội tuyển quốc gia, dự AFF Cup 2016 với tư cách là thủ môn số ba khi chỉ mới chơi hai trận ở CLB.
- Tháng 12/2018, anh giành chức vô địch AFF Cup, trong đó có 5 trận không thủng lưới.
Đó là một câu chuyện rất đẹp. Chúng tôi lặp lại chiến thắng một thập kỷ trước, một chiến tích tuyệt vời của bóng đá Việt Nam và tôi lập kỷ lục 405 phút giữ sạch lưới. Sau 4 trận không thủng lưới, tôi để thua ở phút cuối cùng của hiệp 1. Thật đáng tiếc nhưng tôi vẫn được vào đội hình tiêu biểu.
- Anh đã có một động tác ăn mừng theo kiểu Dzyuba?
Anh cũng thấy à? Tôi thích cách mà Artyom Dzyuba ăn mừng để nói với mọi người rằng anh ấy đang cống hiến vì nước Nga. Tôi cũng muốn thể hiện điều tương tự cho các CĐV, rằng dù chỉ có một nửa dòng máu Việt Nam nhưng tôi vẫn cống hiến hết mình cho đất nước, cho Việt Nam.
Sau giải đấu tôi trở thành một hình mẫu không chỉ cho các cầu thủ mà còn cho những đứa trẻ nữa. Tôi đã cho thấy rằng bạn không bao giờ được từ bỏ, kể cả khi bạn bị ghét bỏ, bị đẩy sang Lào. Phải tự tin vào bản thân và theo đuổi mục tiêu của mình.
- Asian Cup với đội tuyển Việt Nam có giống với việc tuyển Nga vào tứ kết World Cup?
Có thể so sánh như vậy, dù với người Việt Nam thành công này còn lớn hơn thế. Anh không hiểu được những gì diễn ra ở khắp các thành phố của Việt Nam sau trận thắng Jordan đâu. Tất cả người dân Việt Nam đều xuống đường, mọi quảng trường đều chật kín người.
Bình luận