Ít ai nhớ rằng, Dương Thúy Vi không chỉ là người mang tấm HCV đầu tiên về cho Việt Nam ở Asiad 17, mà trước đó tại SEA Games 27, cô cũng là người đi tiên phong
Hóa ra là sức khỏe của Vi vốn không thật tốt từ lâu: “Giờ nó cứ lên xuống cầu thang là đầu gối lại lạch cạch, vẫn phải đi châm cứu để đỡ đau.” – Cô Hoa nói. Trong giai đoạn tập luyện tiền SEA Games, Vi tập căng cơ nhiều đến mức đôi lúc còn không ngồi được, và phải nhờ bố bóp chân cho bớt đau. Trước khi bắt đầu bài thi của mình, Vi cũng phải chịu áp lực không nhỏ: Các đồng đội của em đã thi đấu không tốt.
Thúy Vi bên HCV SEA Games 27 |
Nhưng Vi đã giành Huy chương Vàng, xuất sắc và đầy bản lĩnh. Có lẽ đối với Vi, đó chỉ là thử thách nhỏ. Năm 2008, em từng trật cổ chân khi tiếp đất trong bài biểu diễn Thương thuật, nhưng vẫn cố hoàn thành bài thi của mình, dù đau đến mức sau đó phải nhờ đồng đội bế ra khỏi thảm diễn. Đó là sức mạnh của ý chí.
Ý chí ấy được hun đúc bởi những ngày gò lưng đạp xe đều đặn 7 cây số đi về từ Triều Khúc (nhà cũ của Vi) vào nhà thi đấu trong Hà Đông khi Vi mới 8 tuổi. Ý chí ấy hình thành từ những buổi tập mệt đến nỗi ngủ quên trên xe bus năm 12-13 tuổi.
Và cả những lần thi đấu, tập luyện xa nhà, sống với các đồng đội trên tuyển Wushu nhiều hơn với gia đình: “Mỗi khi nó về nhà, tôi luôn cố gần gũi, nói chuyện với nó thật nhiều để tránh cảm giác thiếu vắng.” – Cô Hoa cười nói, nhưng mắt vẫn hơi ngấn nước.
Ý chí ấy cũng có thể là một tố chất của con nhà nòi: Bố Vi tập võ Thiếu Lâm, còn mẹ cô biết Vĩnh Xuân Quyền và cũng đã từng theo nghiệp điền kinh. Vi bắt chước các động tác võ Thiếu Lâm của bố từ năm lên… 3 tuổi, có “cá tính, quyết đoán và độc lập từ khi còn nhỏ”, theo lời cô Hoa.
Cô còn nhớ khi Vi lên năm, một lần bị mẹ vụt mấy roi, bố xót con nên bế Vi chạy ngoài. Nhưng cuối cùng thì Vi lại giằng ra để… vào nhà ăn đòn tiếp: “Lì đến thế là cùng” – Cô Hoa cười. Từ bé,
Vi nhìn như con trai, “tính tình thì giống bố, có vài chiếc váy, nhưng rất ít khi mặc, tôi có bảo nó đi sửa lông mày một chút cho đẹp hơn, thì nó gạt phắt đi”, vẫn lời mẹ Vi.
Nhưng với người mẹ, thì đứa con, dù cứng cỏi và bản lĩnh đến đâu, cũng luôn nhỏ bé: “Vi mạnh mẽ, mà cũng yếu đuối và hay khóc lắm” – Cô nói. Có chuyện gì thì Vi cũng kể với mẹ, từ những lần bị xử thua bất công, cho đến cả những lúc chấn thương.
Nhà vô địch SEA Games cũng rất tình cảm: “Vi đi đâu về cũng mua quà cho tôi, ông bà và trẻ con trong gia đình.” Nhưng cũng vì Vi nhạy cảm, nên đôi khi cô Hoa lại thành ra lo lắng: “Có lúc tôi chỉ lo Vi tự kỷ, vì vài lần về nhà là ngủ lì từ sáng đến trưa, không ra khỏi phòng. Vi cũng rất ham đọc sách, nhưng đều là những quyển dày và khó hiểu, làm tôi lắm lúc còn chả dám đọc sách của con.”
Giữa cuộc trò chuyện, điện thoại cô Hoa cứ liên tục đổ chuông vì những lời chúc mừng . Không ai vui hơn cô hôm ấy, nhưng niềm vui và sự tự hào của người mẹ luôn đi kèm với nỗi lo lắng: “Cũng có lần tôi bảo Vi nghỉ tập, vì vận động viên cũng chỉ có thời thôi, nhưng cháu say mê quá.” Khi Vi đã quyết tâm, cô Hoa cũng không nỡ nói thêm, “vì Vi muốn thế”.
Mặt sau của tấm Huy chương Vàng đầu tiên của thể thao Việt Nam ở SEA Games lần này có lẽ là sự hy sinh ấy. Nhà vô địch nào thì cũng luôn nhỏ bé trong mắt người mẹ.
Theo TTVH
Bình luận