• Zalo

Đang nợ lương lại lo thưởng Tết, giám đốc doanh nghiệp tìm đến bác sĩ tâm lý

Tin tứcThứ Tư, 17/01/2024 09:21:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Nợ lương nhân viên chưa trả hết, lại sắp phải thưởng Tết, nam giám đốc stress, mất ngủ, phải tìm đến bác sĩ tâm lý.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi, làm giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội) tìm đến bác sĩ tâm lý sau thời gian dài stress, mất ngủ vì lo lắng khoản thưởng Tết sắp tới cho nhân viên.

Những năm gần đây kinh tế khó khăn, làm ăn không có lãi, mấy tháng cơ quan nợ lương nhân viên, chỉ trả được 50% thu nhập.

"Lương cũ chưa trả hết, lại cận kề Tết công ty không biết lấy đâu ra tiền để trả nốt lương và thưởng cho nhân viên", vị giám đốc nói và chia sẻ nhân viên ai cũng trông chờ vào lương thưởng cuối năm nên khiến anh càng thêm áp lực.

Ths.BS Nguyễn Hồng Bách - Giám đốc Viện Tâm lý ứng dụng và phát triển MP (Hà Nội) người trực tiếp tư vấn tâm lý cho nam giám đốc cho biết, trong tháng 12/2023, ông tiếp nhận 5 trường hợp gặp vấn đề áp lực công việc như anh Tuấn.

Tất cả những người này đều là lãnh đạo ngân hàng, giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan nhà nước...”, bác sĩ Bách cho hay.

Nhiều chủ doanh nghiệp tìm đến bác sĩ tâm lý do không đủ tiền chi lương thưởng Tết cho nhân viên. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều chủ doanh nghiệp tìm đến bác sĩ tâm lý do không đủ tiền chi lương thưởng Tết cho nhân viên. (Ảnh minh hoạ)

Thời gian cuối năm, số người gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần cần phải can thiệp, điều trị có xu hướng gia tăng. Vị chuyên gia cho rằng, đây là điều dễ hiểu, bởi nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống, đến áp lực gia đình đều dồn vào những ngày tháng cuối cùng của năm cũ.

"Không chỉ những người thu nhập thấp, công nhân hay nhân viên gặp các vấn đề như trầm cảm, stress, căng thẳng… mà nhiều lãnh đạo, chủ doanh nghiệp cũng phải nhờ đến sự can thiệp và tư vấn của các bác sĩ", bác sĩ Bách cho hay.

Những chủ doanh nghiệp tới tham vấn tâm lý đều liên quan đến chuyện lương, thưởng Tết. Tài chính hiện là vấn đề khó khăn chung, chứ không chỉ riêng doanh nghiệp nào, vì thế người lãnh đạo cũng cần có sự thấu hiểu, chia sẻ từ những cán bộ, nhân viên thuộc cấp.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu - PGĐ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cuối năm là thời gian bận rộn, khối lượng công việc nhiều hơn ngày thường, nhất là với những người đứng đầu doanh nghiệp cơ quan, vì thế áp lực, stress xảy ra là điều dễ hiểu.

"Khi những áp lực ấy bị dồn nén lớn hơn sức chịu đựng, giống như “giọt nước tràn ly”, có thể khiến những người lãnh đạo kiệt sức, rối loạn lo âu, trầm cảm…", bác sĩ Thu nói.

Stress và rối loạn lo âu nếu được phát hiện, can thiệp, giải quyết sớm có thể sẽ tự mất đi, nhưng nếu không được động viên, phát hiện kịp thời thì sẽ dẫn tới mất ngủ, trầm cảm, hay cáu gắt…sinh ra bệnh tâm lý. 

Để giảm bớt căng thẳng trong những ngày cuối năm, bác sĩ cảnh báo mọi người cần tự loại bỏ cảm xúc buồn bã, tiêu cực và hướng đến suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Khi stress, cơ bắp sẽ bị căng, có thể tự nới lỏng bằng cách thư giãn, massage, tắm nước nóng hoặc tắm vòi hoa sen, ngủ đủ, tập thở sâu.

Chúng ta nên dành thời gian cho sở thích, cố gắng làm điều gì đó mỗi ngày khiến bạn cảm thấy dễ chịu như đọc sách báo, nghe nhạc, xem phim, chơi với bạn bè, con cá. Điều đó sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng. 

Mọi người cũng cần chăm lo sức khỏe thể chất của bản thân, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung các vitamin và khoáng chất, tránh xa đồ uống có cồn, chất kích thích. Đặc biệt sự quan tâm, lắng nghe và động viên kịp thời của người thân chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất khi gặp áp lực, stress. 

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn