Mới đây, theo thông tin từ The Korea Ecocnomic Daily, Công ty tái bảo hiểm toàn cầu AON Plc, chủ sở hữu tổ hợp 3 tòa nhà Landmark 72, đang muốn bán 100% cổ phần với giá hơn 1.000 tỷ won (khoảng 18.500 tỷ đồng).
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Landmark 72 được rao bán. Trước đó, từ cuối tháng 4/2015, Landmark 72 cũng được chủ đầu tư Hàn Quốc là SM Keangnam Enterprises Ltd rao bán ở mức 830 tỷ won (khoảng 770 triệu USD).
Đến cuối năm 2015, AON Plc đã vượt qua Goldman Sachs và công ty đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) để trở thành chủ mới của bất động sản này với giá mua lại 454 tỷ won (tương đương hơn 382 triệu USD thời điểm bấy giờ).
Tòa nhà Landmark 72 Hà Nội được bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 2007. Sau 5 năm, đến năm 2012 tòa nhà được khánh thành với tên gọi đầy đủ là Keangnam Hanoi Landmark Tower. Thời điểm này, tòa nhà đạt kỷ lục cao nhất Việt Nam với chiều cao 350m.
Tòa nhà Keangnam được xây dựng trên lô E6, đường Phạm Hùng, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Với mức tổng đầu tư trên 1,05 tỷ USD, tòa nhà do Tập đoàn Keangnam Enterprises đầu tư xây dựng. Đây là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Seoul Hàn Quốc.
Landmark 72 là một tòa nhà văn phòng phức hợp bao gồm một tòa tháp tổng hợp 72 tầng với chiều cao 350m và 2 tòa tháp đôi 48 tầng có chiều cao 212m. Bất động sản này từng là tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam cho đến khi Tập đoàn Vingroup xây dựng tòa nhà Landmark 81 cao 81 tầng với chiều cao 461m tại TP.HCM vào năm 2018.
Tòa tháp Landmark 72 có khu vực văn phòng hạng A từ tầng 12 đến tầng 46, view nhìn ra phong cảnh toàn TP.Hà Nội. Từ tầng 48 đến tầng 60 là khu căn hộ dịch vụ cho thuê, còn từ tầng 62 đến 70 là khách sạn Intercontinental. Điểm được nhiều người biết đến nhất của tòa nhà cao nhất Việt Nam là đài quan sát trên nóc tòa nhà. Ở độ cao 350 mét, khách tham quan có thể ngắm toàn cảnh thành phố Hà Nội từ trên cao.
Khi xây dựng các tòa nhà này, công ty đến từ Hàn Quốc coi đây là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng về xây dựng, dịch vụ, thúc đẩy phát triển cho thành phố Hà Nội.
Về quá trình xây dựng, chủ đầu tư từng chia sẻ, do nền đất ở Hà Nội không vững chắc nên đã phải dùng loại cọc lớn, tổng cộng phải dùng đến 980 chiếc cọc có đường kính hơn 2 mét để đóng xuống. Riêng thời gian làm móng cho cả khu phức hợp là đã mất hơn 1 năm.
Để rút ngắn thời gian thi công, chủ đầu tư đã sử dụng rất nhiều công nghệ thi công tiên tiến trên thế giới. Điển hình là chỉ trong 5 ngày đã dựng xong cốt pha một tầng của tòa Landmark 72 với diện tích mỗi sàn rộng trên 5.000m2. Suốt thời gian thi công, công trường thi công tòa Landmark 72 luôn có 8.000 công nhân làm việc ngày đêm.
Đặc biệt, Landmark 72 còn được biết đến là một trong những nơi có giá thuê đắt đỏ vào bậc nhất nhất Việt Nam, lên tới 36 USD/m2/tháng, chưa bao gồm phí dịch vụ 6,8 USD/m2.
Bình luận