1- Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đều nhất quán chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mình. Sau này trong bản Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, được bổ sung, phát triển năm 2011 và các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng gần đây đều khẳng định: Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Đồng thời Đảng yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải “kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.
Trải qua chín mươi năm, kể từ khi dân tộc Việt Nam có Đảng Cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và thời đại, làm thay đổi cuộc đời mỗi con người và vận mệnh cả một dân tộc. Hiện thực lịch sử minh chứng, cội rễ làm nên mọi thắng lợi đó đều bắt nguồn từ việc Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định và vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ cụ thể.
Nói cách khác, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam chín mươi năm qua đều bắt nguồn từ sự không ngừng đi sâu nhận thức, nắm vững bản chất khoa học, cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định và sáng tạo trong vận dụng vì một mục tiêu không đổi là phấn đấu cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Đó là sự kiên định và sáng tạo trên cơ sở tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn, tính phù hợp với điều kiện Việt Nam và thời đại, giữ vững nguyên tắc, lập trường cách mạng Mác - Lênin.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức một cách biện chứng rằng, kiên định và sáng tạo khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin là hai mặt thống nhất trong một vấn đề; kiên định không có nghĩa là rập khuôn, máy móc mà phải trên cơ sở không ngừng sáng tạo phù hợp với không gian, thời gian.
Và, sáng tạo phải trên cơ sở kiên định những nguyên tắc căn bản thuộc về nó, nếu không sẽ sa vào sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, máy móc hoặc chủ nghĩa cơ hội, xét lại. Kiên định và sáng tạo khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin là quan hệ biện chứng trong việc vận dụng những quy luật phổ quát vào điều kiện cụ thể và đặc thù.
Kiên định những nguyên lý đúng đắn không có nghĩa là giáo điều, máy móc, siêu hình; sáng tạo nhưng phải bảo đảm những nguyên tắc căn bản của nó là giữ vững bản chất cách mạng, tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn, là sáng tạo biện chứng để cách mạng thành công, tuyệt nhiên không phải là xét lại hay chệch hướng, “đổi màu”.
Chủ nghĩa Mác về bản chất là một học thuyết phát triển, nó luôn được vận dụng, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn. Ph. Ăngghen đã nói rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”(1).
Sau này, V.I. Lênin đã nhắc lại lời khẳng định của Ph.Ăngghen “Học thuyết của chúng tôi - Ăngghen nói về mình và người bạn - Ăngghen - không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động” và cho rằng quên điều này “thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng”(2). V.I. Lênin cũng chỉ rõ: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”(3).
Do đó, nó luôn phải được vận dụng sáng tạo để phát triển. Chỉ có kiên định và sáng tạo khi vận dụng mới bảo đảm cho chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là lý luận khoa học, cách mạng, tiên phong dẫn đường, bảo đảm cho các cuộc cách mạng trong thời đại ngày nay đi tới thắng lợi cuối cùng. Chính vì thế, trong suốt hành trình chín mươi năm, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách kiên định và sáng tạo, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
2- Điều đầu tiên chúng ta và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình cũng như bầu bạn quốc tế đều nhận thấy trong hành trình chín mươi năm vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân mình là Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin. Sở dĩ có sự kiên định đó, trước hết trên cơ sở lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta từng bước nhận thức một cách sâu sắc rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, được tổng kết, đúc rút từ toàn bộ tiến trình vận động của lịch sử nhân loại và thực tiễn xã hội thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản, kế thừa hệ thống những giá trị tư tưởng và thành tựu khoa học quan trọng nhất của loài người.
Chủ nghĩa Mác - Lênin cung cấp cho Đảng một thế giới quan khoa học và cách mạng, những quy luật phổ biến về sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Đặc biệt, về mặt xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra quy luật vận động của lịch sử nhân loại và con đường tất yếu tới chủ nghĩa cộng sản - một hình thái phát triển cao của xã hội loài người - trong đó con người được tự do, hạnh phúc, có đủ các điều kiện để phát triển và hoàn thiện một cách toàn diện.
Nguyễn Ái Quốc tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin, như Người nói, “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(4).
Nguyễn Ái Quốc thật vui mừng, hạnh phúc vì đã tìm được phương cách giải bài toán cứu dân, cứu nước khỏi ách nô dịch, áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến trong chủ nghĩa Mác - Lênin - con đường cách mạng vô sản. Rồi Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Sau này, khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(5). Và khi trả lời câu hỏi: vai trò của Lê-nin và chủ nghĩa Lê-nin đối với đồng chí của phóng viên báo L’Humanité (Pháp) - Sáclơ Phuốcniô, ngày 15/7/1969, Người tiếp tục khẳng định lại: “Đồng chí biết truyền thuyết của chúng tôi về cái “cẩm nang”.
Khi gặp khó khăn, người ta giở cẩm nang ra và tìm thấy cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin cũng gần như cái cẩm nang thần kỳ đó. Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”(6).
Ngay khi thành lập (năm 1930), cái “chủ nghĩa làm cốt” được Đảng xác định là chủ nghĩa Mác - Lênin, ở đó mục tiêu là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Chăm lo tuyên truyền xây dựng, rèn luyện lực lượng, khi thời cơ đến, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nhà nước công nông trên toàn cõi Việt Nam.
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, đó là làm cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu.
Năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, tình trạng thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt, chính quyền non trẻ... tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, một lần nữa sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở vai trò lãnh đạo của Đảng, về phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, về khôn khéo phân hóa, lựa chọn kẻ thù... để tiếp tục tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược trở lại khác nào “châu chấu đá voi”, nhưng kiên định dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định, kiên trì chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ theo di sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, để rồi “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Đế quốc Mỹ rắp tâm xâm lược nước ta, chia đôi đất nước. Một lần nữa khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho mỗi người và toàn thể dân tộc Việt Nam được nguyên lý về cách mạng không ngừng, về sự đồng thời giải quyết cả nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước của chủ nghĩa Mác - Lênin lại tiếp tục dẫn đường để dân tộc Việt Nam đi tiếp cuộc hành trình trên con đường cách mạng vô sản của mình trong sự đồng tình, giúp đỡ của nhân loại tiến bộ.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quyết định nhất là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa phát huy cao độ nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam.
Cả nước độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội là ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc. Việc xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là theo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, việc chúng ta duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trong sự bao vây, cấm vận, chống đối của các thế lực thù địch, dẫn tới sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên phạm vi cả nước.
Thực tiễn một lần nữa đòi hỏi Đảng ta phải sáng tạo, huy động tối đa trí lực và sức lực của mọi người và mỗi người dân trong nước, tranh thủ sự hợp tác cùng có lợi trong phát triển kinh tế của cộng đồng quốc tế để đưa đất nước phát triển. “Đổi mới nhưng không đổi màu”.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là bước đi thích hợp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra.
Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch càng tăng cường chống phá Đảng ta, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin. Những năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên các mặt, cũng có những vấn đề mới, những mâu thuẫn mới nảy sinh liên quan đến công tác lý luận chưa được nghiên cứu sâu, thấu đáo để làm sáng tỏ bản chất của nhiều vấn đề, chưa lý giải được một cách thật sự khoa học, có tính thuyết phục, không ít vấn đề còn bỏ lửng, chưa có kết luận đã tạo tình trạng vướng mắc trong nhận thức, tư tưởng; tình trạng nói và làm, nói và nghĩ chưa thống nhất. Cùng với đó là tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường...
Tất cả tác động khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, bản lĩnh chính trị không vững vàng nên dao động về tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trước tình hình đó, một lần nữa, Đảng ta đã đứng trên quan điểm khách quan, khoa học để vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới. Tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, gắn với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
3- Sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn sáng tạo khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào sự nghiệp cách mạng nước mình trong hành trình chín mươi năm, bởi ba lý do sau: Một là, bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý thuyết mở, phát triển, chưa phải là cái đã xong xuôi như bản chất vốn có của nó và như chính những người sáng lập ra nó đã thừa nhận.
Hai là, cần phải bổ sung những yếu tố phương Đông, yếu tố Việt Nam làm cho nó phù hợp như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác định. Ba là, thực tiễn cuộc sống cũng như thực tiễn cách mạng là vận động. Vận động là tuyệt đối. Một số luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị thời đại vượt qua, cần phải được bổ sung, sáng tạo khi vận dụng.
Nghiên cứu chủ nghĩa Mác sâu sắc, Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(7), để lý luận đó phù hợp và đáp ứng được sự vận động của thực tiễn cách mạng trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.
Nhất quán với quan điểm đó, trong chín mươi năm lãnh đạo cách mạng, bên cạnh sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng sáng tạo để giải quyết những vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, đồng thời góp phần bổ sung làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin ngày thêm hoàn thiện ở mấy vấn đề chính sau:
Đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Chứng kiến chủ nghĩa tư bản trong điều kiện tự do cạnh tranh, C. Mác cho rằng, cách mạng vô sản sẽ nổ ra và giành thắng lợi ở những nước tư bản phát triển.
Đến thời mình, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lênin khẳng định, cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một số nước, thậm chí là một nước riêng lẻ của chủ nghĩa đế quốc (một mắt xích trong sợi dây chuyền). Hiểu dân tộc mình, hoàn cảnh đất nước mình, đặt trong điều kiện thời đại, Hồ Chí Minh đã sáng tạo, cho rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, song xác định, trong nhiều điều kiện cụ thể, cách mạng ở thuộc địa có thể thành công trước cách mạng ở chính quốc.
Rõ ràng, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sáng tạo, xác định rõ tính độc lập của cách mạng thuộc địa so với cách mạng chính quốc và đảng cách mạng của xứ thuộc địa phải ở một thế chủ động rộng lớn, một trách nhiệm quốc gia và quốc tế lớn hơn trước. Đó là sự sáng tạo chiến lược của Đảng về con đường của cách mạng Việt Nam.
Đó là sự sáng tạo lý luận về sự ra đời của một Đảng Cộng sản ở một xứ nông nghiệp lạc hậu. Khái quát về sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm Thường thức chính trị (năm 1953): Đảng kết hợp phong trào Cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Năm 1960, Người lại viết: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng đầu năm 1930. Trong khi khẳng định quy luật chung của sự ra đời của chính đảng vô sản, Người đã đánh giá cao phong trào yêu nước Việt Nam, xem đó là một nhân tố quan trọng cùng hai nhân tố mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu là điều kiện để lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận điểm ấy vừa kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin về sự ra đời Đảng Cộng sản (Đảng Cộng sản = Chủ nghĩa Mác - Lênin + Phong trào công nhân), lại được sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến, có truyền thống yêu nước nhưng số lượng công nhân ít.
Hơn thế, Nguyễn Ái Quốc còn vận động để Đảng Cộng sản Việt Nam khi thành lập là phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản mà không phải trải qua thời kỳ thuộc Đảng Cộng sản Pháp như hầu hết các tổ chức cộng sản khác ở châu Phi thuộc Pháp trước đây.
Sự sáng tạo đó là đúng đắn, phù hợp với cách mạng Việt Nam, không những có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình cách mạng nước ta, mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn, nhất là với những nước có hoàn cảnh tương đồng.
Đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh năm 1930 của Đảng ta xác định: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng rồi đi tới xã hội cộng sản. Như vậy là Đảng xác định đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: Đánh đổ đế quốc Pháp xâm lược giành độc lập dân tộc, đánh đổ bọn phong kiến tay sai, đem lại ruộng đất cho dân cày ở một xứ nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa, nhưng ngay sau đó là đi lên chủ nghĩa xã hội, tức bước vào giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Đó là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng liên minh công - nông của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Có bài học thất bại vì chưa thực hiện tốt liên minh công - nông của Công xã Pari, nên từ năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh của Hồ Chí Minh và trong Cương lĩnh năm 1930 của Đảng đều khẳng định: Công - nông là gốc của cách mạng, trí thức, học trò là bầu bạn của cách mạng. Mọi thắng lợi của cách mạng nước ta trong hành trình 90 năm là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện liên minh công - nông - trí thức, nhân tố đóng vai trò quyết định.
Đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận về thời cơ và tình thế cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào các khúc quanh lịch sử, bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ khẳng định nguyên lý chung về tình thế cách mạng, đó là khi: Giai cấp thống trị không còn thống trị như trước nữa, giai cấp bị trị không còn chịu được sự thống trị như trước nữa, tầng lớp trung gian đã đứng về phía giai cấp bị trị, thì ở Việt Nam, khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh (ngày 15/8/1945), ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng, gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Đó là sự vận dụng sáng tạo quan điểm về vai trò quần chúng nhân dân của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hành trình chín mươi năm cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, quần chúng nhân dân là những người sáng tạo nên lịch sử; là lực lượng sản xuất vật chất, sản xuất các giá trị tinh thần, là lực lượng hùng hậu của các cuộc cách mạng xã hội; chưa lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người sáng tạo trật tự xã hội mới tích cực như trong thời kỳ cách mạng; nhờ sức mạnh của quần chúng nhân dân mà thời kỳ cách mạng có một tính sáng tạo lịch sử rộng lớn hơn, phong phú hơn, tự giác hơn, có kế hoạch hơn, có hệ thống hơn, dũng cảm hơn và rõ ràng hơn... Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc rằng, quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo.
Nhưng quần chúng không chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, quần chúng còn là những người sáng tác nữa. “Ba cuộc diễn tập” trong 15 năm (1930 - 1945) mà đỉnh cao là cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - đó là sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân.
Vượt qua “tình thế ngàn cân treo sợi tóc” của nước nhà năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám; rồi tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện... chín năm, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ xâm lược; Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc 21 năm chống chủ nghĩa thực dân mới hung bạo, sừng sỏ nhất trong lịch sử loài người. Và, thành quả to lớn có ý nghĩa thời đại của công cuộc đổi mới 34 năm qua đều là kết quả sáng tạo vĩ đại của nhân dân - những người làm nên lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức một cách biện chứng rằng, kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là hai mặt trong một thể thống nhất.
Kiên định những nguyên lý đúng đắn, sáng tạo cho phù hợp thực tiễn, cho hiệu quả hơn. Kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là cội rễ làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hành trình 90 năm dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
------------------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t. 36, tr .796.(2), (3) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t. 20, tr. 99.(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 562, 563.(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 588.(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, t. 1, tr. 510.
Bình luận