Hoàn thành mục tiêu “xây dựng toàn diện xã hội khá giả”
Cuối năm 2020, Trung Quốc đã tuyên bố chính thức thoát nghèo và hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 7/2021.
Lãnh đạo nước này từng khẳng định, một trong những thành tựu nổi bật trong quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc là chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi việc Trung Quốc thoát nghèo là “kỳ tích trần gian”.
Khái niệm “xã hội khá giả”, Trung Quốc gọi là “Xiaokang” trong khi một số truyền thông quốc tế gọi là thịnh vượng vừa phải, là một ý tưởng chiến lược được lãnh đạo nước này Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên đưa ra khi lên kế hoạch chi tiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980.
Tại Đại hội XVIII tổ chức đầu tháng 11/2012, việc hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khả giả vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức được đưa vào báo cáo chính trị và đây cũng là mục tiêu 100 năm thứ nhất của đảng này. Thoát nghèo là một công cuộc quan trọng, có tính biểu tượng và ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả.
Cuối tháng 11/2012, khái niệm “Giấc mơ Trung Quốc” chính thức được Tổng Bí thư Tập Cận Bình đề cập và sau đó đã trở thành tư tưởng chỉ đạo và quan điểm cầm quyền quan trọng do ông đưa ra. “Giấc mơ Trung Quốc” được ông Tập Cận Bình định nghĩa là “thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Mục tiêu cốt lõi của “Giấc mơ Trung Quốc” chính là việc thực hiện 2 mục tiêu 100 năm.
Do vậy, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, đánh dấu việc Trung Quốc đã thực hiện được mục tiêu 100 năm thứ nhất. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nước này thực hiện lộ trình tiếp theo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra tại Đại hội XIX năm 2017, gồm 2 giai đoạn để thực hiện tiếp mục tiêu 100 năm thứ hai, đó là sau 15 năm tức đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và sau 15 năm tiếp theo tức đến giữa thế kỷ khoảng vào năm 2050 xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại.
Nhiệm vụ 5 năm tới
Nhìn lại lịch sử Trung Quốc qua suốt chiều dài hàng ngàn năm của nhân loại, có thể thấy rằng trong nhiều thời kỳ quốc gia này đã đạt được những thành tựu văn hóa, văn minh rực rỡ. Đây là một lý do quan trọng khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn phục hưng dân tộc trên cơ sở xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.
Phục hưng dân tộc là cái đích của “Giấc mơ Trung Quốc” và mục tiêu cốt lõi của “Giấc mơ Trung Quốc” chính là việc thực hiện 2 mục tiêu 100 năm. Tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về con đường phát triển của Trung Quốc chia làm 3 giai đoạn then chốt, đến nay giai đoạn 1 đã hoàn thành, do vậy Đại hội 20 sẽ mở ra hành trình mới để nước này bước đến 2 giai đoạn tiếp theo với việc thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai.
Theo lộ trình đề ra, đến giữa thế kỷ, Trung Quốc sẽ phấn đấu trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Hiện nay, Trung Quốc từng bước hướng tới mục tiêu này, nhằm thực hiện Giấc mơ phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, với những biểu hiện cụ thể như đất nước giàu mạnh, dân tộc chấn hưng và nhân dân hạnh phúc.
Cách thức để đạt được điều này theo Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định là đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, kiên trì hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phát huy tinh thần dân tộc và tập hợp sức mạnh quốc gia, và điều này cần được thực hiện trên 5 trụ cột gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái, theo như cách nói của Trung Quốc là “ngũ vị nhất thể”.
Những định hướng trong việc củng cố sức mạnh kinh tế
Kể từ Đại hội 19, Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu “phát triển chất lượng cao”, thay vì phát triển tốc độ cao như thời kỳ trước đó. Điều đó đồng nghĩa với việc, nước này muốn hướng đến một nền kinh tế hùng mạnh, tự chủ và phát triển bền vững. Xu thế này vẫn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Để có một nền kinh tế chất lượng cao, hàng loạt chiến lược đã được Trung Quốc đề ra thời gian qua, như tuần hoàn kép, tức xây dựng mô hình phát triển mới lấy tuần hoàn trong nước làm chủ thể, có sự thúc đẩy lẫn nhau giữa tuần hoàn trong nước và quốc tế; xây dựng thị trường thống nhất quốc gia... Những chiến lược này sẽ được thực hiện tiếp trong tương lai và sẽ tác động sâu sắc tới toàn bộ nền kinh tế nước này.
Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới đã và đang phải trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và nhiều thách thức địa chính trị khác, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, Trung Quốc sẽ ngày càng chú trọng hơn đến vấn đề an ninh.
Ngay từ năm 2014, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, “phát triển là nền tảng của an ninh, an ninh là điều kiện của phát triển”. Kể từ năm 2019, vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia ngày càng được ông nhắc đến nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tiếp theo Sáng kiến Phát triển Toàn cầu đưa ra hồi tháng 9/2021, Chủ tịch Trung Quốc còn đề xuất Sáng kiến An ninh Toàn cầu hồi tháng 4/2022. Hai sáng kiến này được đưa ra liên tiếp trong chưa đầy 1 năm cũng đã phần nào phản ánh điều này.
Bình luận