Theo SCMP, số liệu được Cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 17/1 cho thấy, dân số nước này giảm 2,08 triệu xuống còn 1,4097 tỷ người vào năm ngoái, so với mốc 1,4118 tỷ người trong năm 2022. Đây là năm thứ 2 liên tiếp dân số Trung Quốc suy giảm trong 60 năm qua qua.
Năm 2023 chỉ có 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, so với 9,56 triệu trẻ năm 2022. Điều này khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm qua giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mốc 6,77 năm 2022.
Trong khi đó, 11,1 triệu người đã chết trong năm 2023, tăng 690.000 người so với năm 2022, đẩy tỷ lệ tử vong quốc gia lên 7,87 trên 1.000 người, mức cao nhất kể tử năm 1969.
Tăng trưởng dân số Trung Quốc đã chậm lại kể từ năm 2016 do chi phí nuôi con cao, chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ hơn và lối sống đa dạng khiến người dân ít hào hứng sinh con hơn. Chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc, được thực hiện từ năm 2020 đến cuối năm 2022, cũng được cho là góp phần vào sự sụt giảm này.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn từng hưởng lợi đáng kể từ "cơ cấu dân số vàng", sẽ phải đối mặt với các thách thức bao gồm lực lượng lao động thu hẹp, sức mua yếu đi và hệ thống an sinh xã hội căng thẳng.
"Tỷ lệ sinh giảm có nghĩa là lực lượng lao động liên tục thu hẹp, mà chắc chắn sẽ khiến sự tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Áp lực đối với chi phí bảo hiểm xã hội cũng đang tăng lên từng năm khi dân số già đi", Lin Caiyi, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc cho biết.
Peng Xizhe, giáo sư Trung tâm Chính sách Phát triển và Dân số thuộc Đại học Phúc Đán, dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng của công ty chứng khoán ở Trung Quốc Zhongtai, dự đoán rằng dân số nước này sẽ giảm xuống dưới 1,4 tỷ vào năm 2027 và 1,2 tỷ vào năm 2049.
Trong năm 2023, Liên Hợp Quốc cho biết Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bình luận