Trắng đêm chờ nước rút
Địa phương mà chúng tôi nói đến là xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Đây là địa phương duy nhất tính đến thời điểm hiện tại vẫn bị cô lập với bên ngoài. Cách duy nhất để vào địa phương này là phải đi xuồng.
Video: Hành trình vào vùng "rốn lũ" ở Quảng Bình
Nước lũ bắt đầu tràn về xã từ rạng sáng ngày 13/10, đến ngày 15/10 nước bắt đầu dâng cao và nhấn chìm toàn bộ các hộ gia đình.
Ngày 16/10 khi mà hầu hết các địa phương bị ngập lụt do lũ ở tỉnh Quảng Bình nước đã rút thì hầu hết các thôn của xã này vẫn đang chìm trong nước lũ. Người dân nơi đây vẫn thấp thỏm lo âu, mòn mỏi chờ nước rút.
Ông Hồ Thanh Đá – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) cho biết: “Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ 7 thôn của xã Tân Hóa bị nước lũ nhấn chìm. Trong đó bị ngập lụt sâu nhất là thôn 3, thôn 4 với mực nước dâng từ 4 – 6m. Một người trong quá trình di chuyển tài sản lên chỗ cao đã bị nước lũ cuốn đi, hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích”.
Đêm 16/10, hầu hết lương thực của người dân trong xã Tân Hóa đã cạn kiệt do 4 ngày bị cô lập trong nước lũ.
Khoảng 22h, khi PV đi thuyền vào xã Tân Hóa, mọi người trong xã không ai ngủ. Trên những nóc nhà vẫn lấp lóe ánh đèn. Thi thoảng chúng tôi gặp người chèo thuyền đi lại và đâu đó là những ánh mắt lo âu.
Anh Hoàng Văn Tùng (32 tuổi, trú thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) cho biết, nước lũ lên rất nhanh, chỉ trong chốc lát cả xã đã chìm trong biển nước. Mọi người hoảng loạn, gọi nhau, tất bật chuyển đồ đạc, tài sản lên cao nhưng cũng không kịp.
Đi thuyền vào khu vực trú ngụ của gia đình chị Cao Thị Thắm (40 tuổi, trú xã Tân Hóa), chúng tôi thấy cảnh 4 người sống chen chúc nhau trên vùng gác lửng sát với nóc nhà cùng với một số đồ đạc và vài túi lương thực.
Cơn lũ đến nhanh và cuốn trôi hầu hết tài sản của gia đình chị. "Trâu bò, lợn, gà… đều trôi theo dòng nước hết rồi" - chị Thắm buồn bã nói.
Nước mắt chan mì tôm những ngày nước lụt
Ngày 17/10, PV VTC News quay lại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) tỉnh Quảng Bình. Thời điểm chúng tôi đến, nước lũ đã rút. Tuy nhiên, vùng “rốn lũ" này vẫn bị cô lập do một đoạn đường khoảng 500m dẫn vào xã bị ngập sâu quá đầu người.
Phải chờ khá lâu chúng tôi mới xin đi nhờ thuyền của UBND xã Tân Hóa để vào được vùng “rốn lũ" này. Xuống thuyền, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 2km trên con đường bê tông lầy lội bùn đất do lũ rút để lại.
Rất may, khi vừa đến đầu xã Tân Hóa chúng tôi được những người dân địa phương tốt bụng dùng xe máy chở vào thôn 3 (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa), nơi được đánh giá là bị lụt nặng nhất của toàn xã.
Thời điểm chúng tôi vào, nước lụt mới rút, mọi người trong thôn đang hì hục tắm giặt và dọn dẹp nhà cửa.
Những lớp bùn đất dày đặc trên nên nhà, sân, cùng với đó là cảnh “vườn không nhà trống” khi tất cả của cải của người dân đã bị cuốn trôi.
Một người dân cho biết, tất cả tài sản như xe cộ, trang thiết bị trong nhà, vật nuôi… của hầu hết các hộ dân trong thôn đều bị lũ cuốn trôi hết. Còn trâu bò, nhiều con chạy được lên núi ở nhưng hiện tại cũng chưa biết con nào sống, con nào chết.
Chị Trương Thị Hồng Duyên (SN 1997, thôn 3, xã Tân Hóa) đang nuôi con nhỏ 1 tháng tuổi đến giờ vẫn chưa thể hoàn hồn sau trận lũ lịch sử.
Chị cho biết, nước lên to quá, chồng đưa hai mẹ con chị lên ở chiếc nhà phao. Nước lũ chảy xiết, chiếc nhà phao chòng chành trong gió lũ, nhiều lúc chị Duyên cùng con đã khóc thét lên vì sợ hãi.
Dù nuôi con nhỏ nhưng trong những ngày này món ăn chủ yếu của chị Duyên là mì tôm. "Nhiều khi nước mắt hòa vào nước mì tôm vì thương con và vì sợ", chị Duyên chia sẻ.
Video: Người dân run rẩy từ trên mái nhà chờ cứu trợ
Bình luận