• Zalo

Dân nhậu miền Tây sẽ giúp "tân binh" Sư Tử Trắng của Masan đấu lại Heineken, Tiger & bia Sài Gòn?

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Ba, 09/08/2016 14:38:00 +07:00Google News

Hình ảnh những nhà nông miệt vườn ở miền Tây ngồi nhậu tại gia, với những chai bia Sư Tử Trắng trên tay chính là điều mà Masan muốn hướng tới.

Mới đây, tập đoàn Masan vừa công bố báo cáo tài chính lũy kế 6 tháng đầu năm 2016. Ở đó, mảng kinh doanh truyền thống F&B, quản lý bởi công ty con Masan Consumer Holdings, đã cho nhiều kết quả bất ngờ ở mảng bia.

1a

 

Theo đó, chính ngành bia, quản lý bởi công ty Masan Brewery, là mảng tăng trưởng mạnh mẽ nhất chứ không phải nước mắm, cà phê, hay mì gói. Tính chung toàn bộ hoạt động kinh doanh, tăng trưởng của bia chỉ thua “gà đẻ trứng vàng” của Masan là mảng thức ăn chăn nuôi.

Không phải nước mắm Nam Ngư hay mì Omachi, mà chính bia Sư Tử Trắng đang mang về tăng trưởng cho F&B của Masan

Điểm lại từng bước gia nhập thị trường bia Việt Nam, có thể thấy Masan đã bắt đầu gia nhập từ tháng 9/2013. Lúc đó, tập đoàn này đã bỏ ra 12 triệu USD để thâu tóm Công ty TNHH MTV Lamka, qua đó sở hữu luôn thương hiệu Bia Phú Yên (Pybeco), một doanh nghiệp tương đối nhỏ trong ngành lúc đó.

Từ Pybeco, Masan đã đổi tên công ty thành Masan Brewery, cho Masan Consumer Holdings nắm giữ 100% vốn, và tạo ra nhãn hiệu bia riêng mang tên Sư Tử Trắng.

1b

 

Bước tiếp theo trong quá trình phát triển là việc Masan đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Singha - Tập đoàn bia lớn nhất Thái Lan. Trong thương vụ này, Singha đã đầu tư 50 triệu USD vào mảng bia của Masan.

Gần đây nhất, Masan đã cho xây dựng một nhà máy bia lớn ở Hậu Giang, với chi phí đầu tư lên đến 1.600 tỷ đồng, có quy mô hơn 14,6 ha và có công suất thiết kế tới 100 triệu lít / năm.

Với những nỗ lực này, doanh thu của Masan Brewery đã bắt đầu tăng mạnh.

9 tháng đầu năm 2014, sau đúng một năm làm bia, Masan Brewery đã ghi nhận doanh thu 26,6 tỷ đồng. Ngay cùng kỳ năm sau, công ty này có doanh thu đến 399 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần.

Đến 6 tháng đầu năm 2016 này, doanh thu mảng bia đạt 543 tỷ đồng, cũng tăng trưởng mức cao là 83,5% so với cùng kỳ.

1c

 

Ở các ngành hàng khác, gia vị và thực phẩm tiện lợi sau khi “no nê” thị phần đã bắt đầu đi vào chu kỳ bão hòa khi mà 6 tháng đầu năm nay, gia vị thì tăng trưởng chậm còn thực phẩm tiện lợi thậm chí còn tăng trưởng âm. Đồ uống cũng tăng trưởng 2 con số nhưng ở mức không cao bằng bia.

Như vậy, có thể thấy tuy doanh thu bia có số tuyệt đối vẫn còn nhỏ, nhưng chính ngành hàng này và Masan Brewery mới đang là những người dẫn dắt tăng trưởng ở mảng F&B cho Masan. Năm 2016, Masan dự đoán doanh thu từ bia sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2015.

Chiến lược “xâm chiếm nông thôn” giúp Masan nắm giữ thị trường Đồng bằng sông Cửu Long

Trong chiến lược của mình với bia Sư Tử Trắng, Masan đã chọn Đồng bằng sông Cửu Long, và sau đó là Đông Nam Bộ là thị trường mục tiêu, với chiến lược “xâm chiếm nông thôn”, đã từng được Masan thực hiện rất thành công với mảng gia vị (năm 2014, tỷ lệ thâm nhập nông thôn của nước mắm Nam Ngư lên đến gần 98%).

Các thương hiệu khác trên thị trường như Tiger, Heineken thường tập trung vào khách hàng tại các đô thị lớn, với văn hóa phổ biến là ăn uống bên ngoài (eat out), uống bia trong các buổi tiệc hay buổi gặp mặt tại các nhà hàng.

Đi ngược lại xu thế đó, Masan chọn slogan “bia ngon, cưa đôi cùng bạn chí cốt” cho chiến lược marketing của mình với việc nhấn mạnh tính xác thực, đề cao giá trị gia đình và bạn bè, cũng như các buổi họp mặt trong gia đình.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ chính là thị trường mục tiêu cho chiến lược này của Masan. Dân cư ở khu vực này vẫn duy trì thói quen tụ tập bạn bè, người thân trong gia đình để ăn uống tại gia. Hình ảnh những nhà nông miệt vườn ở miền Tây ngồi nhậu tại gia, với những chai bia Sư Tử Trắng trên tay chính là điều mà Masan muốn hướng tới.

Chưa dừng lại ở đó, việc Masan cho nhà máy sản xuất bia, giúp tăng công suất lên gấp 4 lần, đi vào hoạt động tại ngay tỉnh Hậu Giang, thuộc thị trường mục tiêu, là bước để giúp doanh nghiệp này củng cố sự hiện diện tại đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng một động thái Masan dùng, nhằm tạo đà mở rộng ra các khu vực lân cận, đặc biệt là Đông Nam Bộ - thị trường mà tập đoàn này đã bắt đầu tấn công từ tháng 8/2015.

Thị trường bia Việt Nam được định giá tới 4 tỷ USD. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ đang chiếm gần 20% khối lượng tiêu thụ bia trong nước, tương đương với con số 660 triệu lít/năm. Chính những điều này được dự đoán sẽ mang lại dư địa cho tăng trưởng lớn của mảng bia của Masan trong những năm tiếp sau.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn