Ủy ban Bầu cử trung ương (CEC) cho biết, theo kết quả sơ bộ sau khi kiểm đếm 85% phiếu bầu, có khoảng 77,84% người Nga đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, 21,35% phiếu bầu phản đối.
Ủy ban Bầu cử trung ương (CEC) cũng cho biết, tỉ lệ cử tri đi bầu theo cập nhật mới nhất là 65%. Kết quả bỏ phiếu sẽ được thông báo chính thức sau khi công tác kiểm phiếu hoàn tất.
Các nhà quan sát chỉ trích CEC đã công bố kết quả sớm trước khi các trạm bỏ phiếu ở phần còn lại của nước Nga đóng cửa.
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Nga diễn ra từ ngày 25/6 và kéo dài đến ngày 1/7. Riêng tại thủ đô Matxcơva có gần 3.500 điểm bỏ phiếu. Các điểm bỏ phiếu tại Nga bắt đầu mở cửa từ 8h và kết thúc vào 20h cùng ngày (giờ địa phương), bắt đầu từ vùng Viễn Đông ở châu Á và kết thúc ở phần lãnh thổ châu Âu (khoảng nửa đêm giờ Việt Nam).
Công tác kiểm phiếu được làm ngay sau 20h ngày 1/7. Khi có kết quả cuối cùng, nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ thì các sửa đổi sẽ có hiệu lực ở thời điểm công bố.
Đây được coi là một sự kiện chưa từng diễn ra kể từ năm 1993. Bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp ở Nga được thực hiện theo đề xuất của Tổng thống Putin, bao gồm cả việc thiết lập lại giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống, cho phép ông Putin tái tranh cử sau khi nhiệm kỳ 6 năm hiện tại kết thúc vào năm 2024.
Những sửa đổi khác sẽ củng cố quyền lực của Tổng thống và Quốc hội, và các giá trị truyền thống khác bao gồm lệnh cấm đối với hôn nhân đồng tính và đảm bảo mức lương tối thiểu và lương hưu tốt hơn…
Quốc hội Nga trước đó đã phê chuẩn các sửa đổi Hiến pháp, nhưng ông Putin cho rằng Hiến pháp mới sẽ chỉ có hiệu lực khi nhận được đa sự ủng hộ của người dân.
Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga ban đầu dự định tổ chức vào ngày 22/4. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này đã bị hoãn lại do sự bùng phát của dịch COVID-19. Ông Putin quyết định mở lại bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp sau khi dịch bệnh đã qua đỉnh điểm và nước Nga bắt đầu ghi nhận số lượng ca bệnh mới giảm.
Bình luận