Từ sáng 24/2 (giờ địa phương), không lâu sau khi Tổng thống Putin tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, dòng người đã đổ về các chi nhánh ngân hàng ở Moskva.
Phóng viên của Financial Times cho biết một số chi nhánh của các ngân hàng quốc tế thông báo hết USD vào giữa ngày hôm đó khiến không ít người phải tay trắng ra về.
Hiện tượng trên tiếp tục duy trì cho tới tuần này sau khi Mỹ và các nước EU nhất trí loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT).
Lo ngại không thể thanh toán bằng thẻ Visa và Mastercard, nhiều người dân tìm cách rút tiền mặt bằng bất cứ loại ngoại tệ nào.
Hôm 27/2, ngân hàng trung tâm Nga tìm cách xoa dịu thị trường và người gửi tiền bằng cách cam kết liên tục cung cấp cho các ngân hàng thanh khoản bằng đồng rúp, không giới hạn số tiền mà các ngân hàng muốn vay.
"Hệ thống ngân hàng Nga ổn định, có đủ vốn dự trữ và thanh khoản để hoạt động mà không bị thiếu hụt dòng tiền trong bất kỳ tình huống nào. Tất cả khoản tiền của khách hàng đều được bảo mật và có sẵn bất cứ lúc nào”, đại diện ngân hàng trung ương Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Tuyên bố này nói thêm rằng hệ thống tin nhắn thanh toán nội địa của Nga, được phát triển trong trường hợp các ngân hàng của quốc gia này bị loại khỏi SWIFT, sẽ tiếp tục hoạt động “trong mọi tình huống".
Nhưng các tuyên bố trên không đủ trấn an nhiều người.
"Tôi muốn rút sẵn tiền mặt tiêu trong một tháng trong trường hợp thẻ gặp lỗi kỹ thuật. Hôm qua, tôi gặp vấn đề khi trả tiền taxi với Google Pay", Ekaterina - một người dân Moskva cho hay.
Trong khi đó, các ngân hàng ở Nga lo ngại việc người dân đổ xô đi rút tiền như hiện tại.
"Việc rút tiền mặt như vậy đang gây hại cho Nga, thanh khoản của các ngân hàng đang giảm", Giám đốc điều hành tại một ngân hàng phương Tây ở Moskva cho hay.
Các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga sẽ hạn chế khả năng can thiệp ngoại hối của ngân hàng này, vốn từng sử dụng để ổn định đồng rúp và không để đồng tiền này rơi vào tình trạng thả nổi tự do.
Bình luận