Đại dịch COVID-19 kéo dài đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia, nhưng điều kỳ lạ là tỷ lệ doanh nhân khởi nghiệp trong thời điểm khó khăn này lại cao gấp đôi so với trước dịch. Nhiều doanh nhân táo bạo đã tận dụng các chương trình hỗ trợ của chính phủ và tiện ích từ công nghệ số, điều không có trong các thời kỳ suy thoái kinh tế khác như Đại suy thoái.
Một trong số đó là anh Andre Smith 26 tuổi, sống tại Long Island, New York. Khi dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng trong năm 2020, công ty xây dựng mà anh làm việc buộc phải cắt giảm nhân lực. Do đột ngột phải nghỉ việc, anh bỗng có rất nhiều thời gian rảnh, trong khi nguồn thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống thì chẳng còn. Smith quyết định không để thời gian trôi qua lãng phí, anh lập tức bắt tay thực hiện mong ước ấp ủ từ ngày nhập cư vào Mỹ từ Jamaica năm 2007: bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.
“Đây là thời điểm hoàn hảo để học hỏi và sử dụng thời gian một cách khôn ngoan”, doanh nhân 26 tuổi chia sẻ.
Cuối tháng 3/2020, sau 5 tháng miệt mài nghiên cứu trên mạng, Smith quyết định sáng tạo thương hiệu quần áo thời trang Loungefit.
Loungefit chính thức ra mắt vào tháng 8/2020, đạt được doanh thu ban đầu là 35.000 USD và thu hút hơn 105.000 người theo dõi trên TikTok. Vào tháng 11/2020, anh Smith nảy ra ý tưởng khai thác thêm lợi nhuận bằng cách đăng tải video hướng dẫn khởi nghiệp cho những người muốn tự mở thương hiệu quần áo. Bài đăng này hiện có 370.000 lượt xem, gần 65.000 lượt thích và đem lại khoảng 3.000 USD mỗi ngày.
Anh Smith công nhận rằng việc khởi nghiệp trong đại dịch là một quyết định vô cùng mạo hiểm, nhưng cũng vô cùng đáng giá: “Tôi sẽ không thay đổi quyết định dù có chuyện gì đi nữa, bởi việc đi từ xuất phát điểm của tôi đến khi đạt được thành quả ngày hôm nay là giấc mơ của rất nhiều người”.
Chi phí khởi nghiệp thấp
Theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ, số đơn đăng ký kinh doanh đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vài tháng đầu tiên của đại dịch, từ 234.362 vào tháng 4/2020 lên 558.688 vào tháng 7 cùng năm. Đáng chú ý là con số này vẫn tiếp tục tăng và cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra trong cuộc Đại suy thoái, khi số đơn đăng ký từng tháng từ năm 2007 - 2009 luôn ở mức dưới 250.000.
Nhà kinh tế học Leila Bengali tại UCLA Anderson Forecast lý giải hiện tượng này là do chi phí mở doanh nghiệp trong đại dịch thấp hơn đáng kể, do những khoản tiền cố định bị cắt giảm để tránh vi phạm các hạn chế chống dịch. Ngoài ra, việc nhiều nơi áp dụng biện pháp giãn cách và người dân tránh ra khỏi nhà đã thúc đẩy internet và công nghệ được cải thiện. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh trực tuyến trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Bà Bengali dự đoán, nếu chi phí khởi nghiệp tiếp tục giữ ở mức thấp như hiện nay, sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp mới ra đời.
Khởi nghiệp nhờ mạng xã hội
Gần hai triệu người bán hàng đã tham gia nền tảng thương mại điện tử Etsy vào năm 2020, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng thời điểm, các cửa hàng mới trên nền tảng mua sắm Shopify của Mỹ cũng tăng 79%.
Theo báo cáo về Tình hình Doanh nghiệp Nhỏ Toàn cầu của Facebook, 69% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới cho biết các phương tiện kỹ thuật số có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong suốt thời gian diễn ra dịch COVID-19. 80% trong số những người được khảo sát cho biết họ có dự định sử dụng phương tiện kỹ thuật số để vận hành doanh nghiệp riêng trong tương lai.
Cô Raven Silas 27 tuổi, sống tại New Orleans, là một trong số những người mất việc vì dịch bệnh. Trong thời gian ở nhà, cô dành rất nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội. Nhờ vậy, Silas tìm thấy cảm hứng khởi nghiệp ngay trên nền tảng TikTok. Từ đó, cô cho ra đời thương hiệu nến thủ công Breathe Enlight vào tháng 10 năm ngoái.
Cô chủ trẻ quyết định tiếp tục tận dụng Tiktok để quảng bá thương hiệu. Từ một bài đăng quảng cáo, Breathe Enlight nhận được hàng trăm đơn đặt hàng chỉ trong 3 ngày, trước đó, Silas chỉ nhận được đơn hàng từ người quen.
Sherri Mitchell, bà chủ 48 tuổi của thương hiệu nước sốt Chef Sherri Sauces danh tiếng, cũng là một trong những doanh nhân khởi nghiệp từ mạng xã hội trong đại dịch.
Việc tự kinh doanh vốn dĩ là kế hoạch bà Mitchell ấp ủ cho tương lai, nhưng vào tháng 3 năm ngoái, bà phải tạm ngưng việc học nấu ăn tại đại học Johnson and Wales do đại dịch, vì vậy bà quyết định bắt đầu ngay thay vì chờ đến khi hoàn thành việc học.
Giống như mọi doanh nghiệp khác, bà Mitchell phải cạnh tranh và vật lộn tìm cách duy trì chuỗi cung ứng trong suốt quá trình diễn ra đại dịch. Thời gian đầu, bà phải lái xe khắp bang Colorado tìm nguồn cung cấp lọ đựng sản phẩm. Mặt khác, việc nỗ lực tăng lượt theo dõi cho thương hiệu trên mạng xã hội cũng không hề dễ dàng.
“Tôi dựa vào mạng xã hội, cố gắng chia sẻ nhiều nhất có thể”, bà Mitchell kể lại.
Phải đến một năm sau, khi Mitchell có thể gặp gỡ khách hàng tại các sự kiện trực tiếp như chợ nông sản, đòn bẩy từ mạng xã hội mới giúp thương hiệu nước sốt của bà gặt hái được những thành công đầu tiên.
Đến tháng 6 năm nay, phạm vi tiếp cận trên Instagram của Chef Sherri Sauces đã tăng hơn 450%, doanh số bán hàng cũng tăng 300%.
Khả năng thích ứng trong bối cảnh không thể đoán trước chính là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp của bà Mitchell, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế sụt giảm do đại dịch và khi phải đối mặt với những vấn đề đau đầu về tài chính và hậu cần.
“Việc sở hữu một doanh nghiệp không hề nằm trong tầm ngắm của tôi trước đại dịch”, bà chủ của Chef Sherri Sauces chia sẻ. Nhưng rồi, doanh nhân 48 tuổi nghĩ rằng “Đây mới là cuộc sống”, và bà quyết định xoay sở để thích nghi với hoàn cảnh và đương đầu với các thách thức trong thời COVID-19.
Bình luận