Mới đây, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện hành có những điểm mới liên quan đến điều kiện tự chấm dứt hợp đồng lao động khiến dân mạng xôn xao bàn luận trên nhiều diễn đàn.
Cụ thể, quy định mới của Bộ luật Lao động nêu rõ, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước khi người sử dụng lao động (thường gọi là sếp) có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.
Hàng loạt bình luận xung quanh việc này nêu ra kẽ hở mà người lao động nào cũng lo lắng, đó là tiền lương. "Nói thôi việc thì dễ nhưng lương tháng ai trả?"; "Nghỉ hay không là việc của nhân viên còn trả lương hay không thì là việc của sếp nhé các bạn"; "Nghỉ thì cứ nghỉ thôi nhưng chắc sếp không trả lương cũng không cần phải báo trước", các thành viên trong diễn đàn bình luận.
Nhiều người thậm chí còn làm thơ, nói bóng gió trước Luật mới này. "Thu đi để lại lá vàng/ Em đi để lại lương tháng này", Tài khoản Việt Vinh vui vẻ bình luận.
"Lúc đấy chỉ có nước húp nước hồ, hít khí trời thay cơm nhé"; "Nếu bạn không cần ăn, không cần ở, không cần lo lắng cho con cái hay gia đình thì cứ mỗi lần sếp mắng hãy mạnh dạn nghỉ việc", "Sếp chửi mình như con mà vẫn phải nhịn không thì chẳng có cơm ăn nhé", "Nghỉ, ok, mai mang gậy, mang bị ra bờ Hồ khởi nghiệp cũng ổn mà"...là những bình luận hài hước của cộng đồng mạng.
Số khác lại xem đây là vấn đề khá nghiêm túc:
"Chẳng công việc nào không áp lực. Chẳng có sếp nào muốn mắng chửi nhân viên. Nhưng nếu cứ vin vào cái quy định này để nói thì thật phiến diện, tuỳ từng hoàn cảnh chứ. Sếp mà nạt nộ, chửi bới thái quá, thì chẳng cần chờ đến khi ra quy định, họ vẫn sẽ nghỉ luôn thôi", tài khoản Minh Hoàng nêu quan điểm.
"Sếp mình cực khó tính, hay quát tháo và chửi bới, nhưng đấy là trong công việc. Còn bình thường, sếp chăm lo, quan tâm đến đời sống anh em trong cơ quan nên chẳng ai chê trách. Tự bảo nhau cố gắng làm tốt hơn để sếp bớt phải chửi mắng thôi", tài khoản Phương Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó cũng những ý kiến cho rằng quy định này không bảo vệ được lương và bảo hiểm cho lao động; lại có ý kiến cho rằng luật chỉ nói nhân viên nghỉ không cần báo trước còn phải trả lương hay không, luật lại không đề cập.
Diễn đàn thêm phần sôi nổi khi có sự tham gia bình luận của các thành viên là sếp. Những ý kiến đầy dí dỏm của họ cũng khiến cộng đồng mạng cười ngất.
Đoàn Thảo Vân chia sẻ: "Tiếc là điều này không cần áp dụng với mình. Chưa ai làm cho mình mà kêu than 1 câu. Tốt quá mà!"; "Thế là tương lai lại phải nịnh cái đám nhân viên của mình ư?"; "Chẳng may sếp bị nhân viên chửi có được đuổi việc không phải trả lương không?".
Hiện, bài viết này vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với 25.000 lượt tương tác, hàng nghìn lượt bình luận và hàng trăm chia sẻ.
Điểm a, khoản 2, Điều 35 Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 và sẽ được áp dụng từ 1/1/2021 nêu rõ:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Bình luận