• Zalo

Đan Mạch viện trợ tên lửa chống hạm Harpoon giúp Ukraine đối phó Nga ở biển Đen

Quân sựThứ Ba, 24/05/2022 17:32:19 +07:00Google News
(VTC News) -

Đan Mạch là một trong số ít các quốc gia sở hữu các hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, có khả năng chiến đấu tương tự như tổ hợp tên lửa Neptune của Ukraine.

Trong cuộc họp báo ngày 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiết lộ với truyền thông rằng quân đội Đan Mạch sẽ chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Harpoon của nước này cho Ukraine, và đây chỉ là một trong nhiều gói viện trợ vũ khí bổ sung sắp được các nước phương Tây cung cấp cho chính quyền Kiev.

Cụ thể, trong cuộc họp trực tuyến của "Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine" với sự tham của gần 40 quốc gia và tổ chức nhằm thảo luận về việc giúp đỡ Ukraine, 20 nước cam kết cung cấp vũ khí, đạn dược và các nguồn cung cấp mới để hỗ trợ Kiev.

Đan Mạch viện trợ tên lửa chống hạm Harpoon giúp Ukraine đối phó Nga ở biển Đen - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Breaking Defense)

Tuy nhiên, ông Lloyd Austin không cung cấp chi tiết về gói hỗ trợ mới trị giá 40 tỷ USD của chính quyền Mỹ dành cho Ukraine. Nhiều suy đoán cho rằng, gói hỗ trợ này của Washington có thể bao gồm tên lửa tầm xa, tên lửa chính xác cao được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Quay lại gói viện trợ của Đan Mạch, một nhà phân tích hải quân nói với USNI News rằng tầm hoạt động của các tên lửa Harpoons có thể khiến các tàu chiến Nga hoạt động ở phía bắc biển Đen gặp rủi ro lớn.

Được biết, hải quân Đan Mạch hiện được trang bị hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Harpoon, tầm bắn của chúng có thể đạt đến hơn 250 km. Chúng có khả năng chiến đấu tương tự như tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Neptune của Ukraine.

Hiện chưa rõ Đan Mạch sẽ chuyển giao phiên bản tên lửa nào cho Ukraine khi các hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon của nước này được trang bị hai loại đạn khác nhau RGM-84L-4 Harpoon Block I và Block II. Riêng phiên bản Block II ngoài khả năng chống hạm còn thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất như cơ sở hạ tầng ven biển, căn cứ quân sự, sân bay.

Lần gần đây nhất Đan Mạch tiến hành nâng cấp các hệ thống tên lửa Harpoon của nước này là vào năm 1999. Tuy nhiên chỉ 4 năm sau đó (2008), hải quân Đan Mạch quyết định loại biên hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển duy nhất của nước này.

Đan Mạch viện trợ tên lửa chống hạm Harpoon giúp Ukraine đối phó Nga ở biển Đen - 2

Một bệ phóng di động thuộc hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Harpoon của hải quân Đan Mạch. (Ảnh: Hải quân Đan Mạch)

Hải quân Đan Mạch là một trong số ít các quốc gia sử dụng phiên bản phòng thủ bờ biển của tên lửa Harpoon. Mỗi hệ thống Harpoon phòng thủ bờ biển được trang bị 2 xe phóng di động, mỗi xe mang theo 4 tên lửa.

Theo chuyên gia hải quân Chris Carlson nói với USNI News, tùy thuộc vị trí lực lượng Ukraine đặt tên lửa Harpoon, hệ thống vũ khí này có thể giúp hải quân Ukraine nhắm vào các tàu chiến của hải quân Nga trên biển Đen và vùng biển phía Tây bán đảo Crimea.

Việc Ukraine yêu cầu được viện trợ tên lửa Harpoon từ Mỹ và đồng minh cho thấy Kiev muốn phá thế phong tỏa ở thành phố cảng Odessa cũng như ngăn tàu chiến Nga mở các cuộc tập kích vào bên trong thành phố.

“Việc phong tỏa Odessa đã cắt đứt quyền tiếp cận của Ukraine đối với biển Đen, ngăn cản con đường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, bóp nghẹt ngành xuất khẩu chính của nước này và khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục”, chuyên gia Tayfun Ozberk nói với tờ Naval News.

Đan Mạch viện trợ tên lửa chống hạm Harpoon giúp Ukraine đối phó Nga ở biển Đen - 3

Nhiều chuyên gia nhận định việc Mỹ và đồng minh viện trợ tên lửa Harpoon cho Ukraine sẽ tạo nên bước ngoặt mới cho cuộc chiến.

Chuyên gia này nói thêm, với các hệ thống vũ khí chống hạm mới Ukraine có khả năng đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), từ đó thiết lập lại quyền kiểm soát với tuyến đường biển ở Odessa từ đó nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Bên cạnh đó tên lửa Harpoon có thể tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với trung tâm hậu cầu của Hạm đội biển Đen ở quân cảng Sevastopol, khiến Nga gặp trở ngại trong việc nạp lại đạn tên lửa hành trình cho các tàu chiến thực hiện việc tập kích vào các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Ukraine.

Ngoài tên lửa Harpoon, Lầu Năm Góc còn đang làm việc để có thể chuyển thêm các tên lửa chống hạm NSM do Na Uy sản xuất cho Ukraine. Tuy nhiên kế hoạch này cần thêm thời gian.

Trà Khánh(USNI News)
Bình luận
vtcnews.vn