Men theo con dốc nhỏ dựng đứng giữa cánh rừng rậm rạp bóng cây cổ thụ, già làng Y Wih Êban (68 tuổi, trưởng buôn K’mrơng Prông B, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) dẫn lối chúng tối xuống khu vực bến nước của buôn. Tương truyền, cách đây chừng 200 năm, tổ tiên của già làng Y Wih Êban trên hành trình di cư đã phát hiện ra bến nước này.
“Ngay tại vị trí chúng ta đang đứng, tổ tiên tôi đã từng dâng lễ cúng thần nước, thần rừng để chính thức lập buôn mới, lấy tên K’mrơng Prông B. Theo quan niệm của người Ê Đê, điều tiên quyết trước khi quyết định lập làng mới là phải chọn cho được khu đất có bến nước", già làng Y Wih Êban chia sẻ.
Trải qua hàng trăm năm, từ buổi đầu sơ khai lập làng chỉ với vỏn vẹn 20 hộ, đến nay, cả buôn có 178 hộ (gần 1.300 nhân khẩu). Song, dù là nhập cư hay dân bản địa, người Ê Đê ở K’mrơng Prông B vẫn gìn giữ tán rừng nguyên sinh như báu vật.
Hương ước của làng nêu rõ, ai chặt một cây ở cánh rừng thuộc khu bến nước sẽ bị buộc phải nộp một con trâu hoặc một con bò cùng vài vò rượu cần. Ngoài ra, trước toàn thể bà con trong buôn, người vi phạm phải cúi đầu xin lỗi, hứa không tái phạm.
Già làng Y Wih Êban cho hay, trải qua 200 năm kể từ khi lập buôn, địa phương mới chỉ phát hiện và xử lý một trường hợp duy nhất vi phạm.
“Chuyện xảy ra cách đây cũng gần 30 năm rồi. Khi ấy, một người trong buôn trót dại cưa trộm cây gỗ trong rừng để làm đòn tay nhà và bị bà con đi làm rẫy bắt quả tang. Để chuộc lỗi, người này đã mang một con bò, mấy vò rượu ra bến nước làm lễ cúng, xin các thần linh đừng tức giận mà làm tắt mạch nước. Trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào trong buôn, người này cúi đầu nhận lỗi, hứa không tái phạm”, già Êban nhớ lại.
Cũng theo vị già làng, những năm trước, thỉnh thoảng xuất hiện người lạ mặt tới lân la chặt phá gỗ. Song trước sự giám sát chặt chẽ của bà con trong buôn, hành vi “tàn sát” rừng tại K’mrơng Prông B chưa từng xảy ra.
Nhờ sự chung tay bảo vệ của buôn làng, cánh rừng rộng 2,5 ha ở K’mrơng Prông B đến nay vẫn còn nguyên vẹn, nhiều cây cổ thụ có tuổi đời lên tới hàng trăm năm.
Cây sao 150 năm tuổi ngay bên bến nước dù đã chết khô từ 10 năm nay, thậm chí có người ngoài tìm tới mua với giá 50 triệu đồng nhưng bà con trong buôn cương quyết không bán. Bà lo sợ việc đốn hạ cây sẽ mang tới điều không may. Rừng là để nuôi dưỡng chứ không phải đem ra chặt phá. Bởi vậy, người dân ở đây dù có thiếu cây gỗ làm nhà cũng lặn lội tìm mua chứ nhất quyết không chặt cây rừng ở bến nước.
Một trong những lý do được nhà chức trách đưa ra để giải thích việc mất rừng ở Gia Lai là diện tích lớn mà lực lượng mỏng. Thế nhưng, tại làng Grôn (xã Ia Kriêng, Đức Cơ), khu rừng giáng hương gần 1.000 cây suốt hơn 30 năm qua lại không mất cây nào. Đó là nhờ sự chung tay bảo vệ của dân địa phương mà cụ thể là các ông Rơ Mah Le, Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Kem.
Ông Le kể, từ năm 1990, khi phong trào trồng cây cao su rộ lên, toàn bộ diện tích rừng ở làng Grôn và làng Gà thời đó là rừng nghèo, đồi núi trọc đã được phê duyệt chuyển đổi sang trồng cao su. Khi những chiếc máy ủi đến san phẳng cánh rừng nghèo cằn cỗi, người ta phát hiện tại xã Ia Kriêng có một khoảnh rừng cây giáng hương.
Ngay lập tức, ông Le họp lãnh đạo xã bàn phương án bảo tồn rừng giáng hương đặc hữu. “Khi nghe tôi đề xuất phương án giữ lại rừng giáng hương, anh em cán bộ xã hưởng ứng nhiệt tình. Ngay sau đó, tôi cùng với lực lượng công an xã, địa chính, phụ nữ vào đây phát quang cây cối xung quanh, cắm bảng thông báo rừng giáng hương thuộc sự quản lý của UBND xã. Tiếp đến, tôi vận động dân làng Grôn nhận canh gác, bảo vệ. Nhờ đó mà khu rừng được giữ nguyên vẹn cho hôm nay”, ông Le nhớ lại.
Ban đầu khu rừng rộng 3 ha này có 853 cây giáng hương, một cây gỗ trắc và một số ít cây dầu, bình linh, bằng lăng… Trải qua hơn 30 năm dưới sự bảo vệ của ông Le và người dân làng Grôn, cánh rừng giáng hương đã phát triển lên gần 1.000 cây lớn, nhỏ.
Cây giáng hương được đánh số thứ tự, kể cả những cây nhỏ nhất. Theo ông Le, làm như vậy sẽ tiện cho việc giám sát, đề phòng bị mất trộm. Lâm tặc đột nhập vào rừng cũng khó bề chạy thoát vì ở đây chỉ có con đường độc đạo, đi ngang nhà 50 hộ dân người Gia Rai ở làng Grôn.
Từ năm 2019, ông Rơ Mah Le nghỉ hưu. Lúc này, ông bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục công việc bảo vệ rừng giáng hương, cánh rừng mà ông tâm huyết gìn giữ hàng chục năm nay.
Để giúp ông Le, xã cắt cử thêm ông Rơ Mah Kem và ông Nguyễn Hữu Mạnh thay phiên nhau giữ rừng, mỗi người 2 - 3 ngày/tuần. Tiền công gác rừng không đáng là bao nhưng ai cũng tình nguyện ăn ngủ, "bám rừng".
Có thời gian dài gắn bó với cây giáng hương, ông Rơ Mah Kem cho biết: "Từ xưa, chúng tôi bảo vệ rừng giáng hương này đều không có phụ cấp gì. Lúc đó, tôi cùng dân làng thay phiên nhau bảo vệ, tuần tra cánh rừng. Gần đây, nhận thấy giá trị to lớn của cánh rừng giáng hương, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ cho những người giữ rừng như chúng tôi, mỗi tháng 1 - 2 triệu đồng".
Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh, với người J’rai ở Ia Kriêng, rừng hương như một báu vật, một món ăn tinh thần không gì sánh bằng. Tuy nhiên khi biết tỉnh Gia Lai xây dựng Quảng trường Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên (đặt tại TP Pleiku), người dân Ia Kriêng đã không ngần ngại tặng 20 cây giáng hương từ khu rừng để trồng ở khu vực quảng trường.
Gần 4 thập kỷ qua, già Cil Ju Ha Giản (65 tuổi, dân tộc K’Ho, thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim, Lạc Dương, Lâm Đồng), được bà con trong vùng Bidoup - Núi Bà nhắc đến như một minh chứng cho những người Cil yêu rừng.
Trước năm 1977, nhà già lọt thỏm giữa rừng Bidoup. Mỗi mùa trăng, già đều phải gánh củi, vượt qua cánh rừng nguyên sinh này xuống xuôi đổi lấy muối về ăn.
Sau này, rừng Bidoup bị “ăn mòn” với nhiều lý do. Nơi người Cil ở từ vùng lõi dần trở thành bìa rừng. Lúc này, đàn ông người Cil ở xã Đa Nhim đều tình nguyện tham gia công tác liên quan đến giữ rừng, trong đó có già Ha Giản.
“Khu vực rừng tại xã Đa Nhim này chia thành 2 loại: Rừng thấp và rừng cao (rừng thông và rừng tạp nguyên sinh). Trước kia rừng ở đây không thiếu một loài thú nào cả, đi ra khỏi nhà là gặp, nhưng hơn 30 năm trở lại đây, rừng dần dần bị khai thác, nhường đất trồng cây cà phê, cao su… khiến cho diện tích rừng bị thu hẹp dần”, già Ha Giản nói.
Già Ha Giản đã ở cái tuổi 65, nhưng bàn chân ông vẫn cứng như gỗ lim, đôi mắt vẫn sắc như mắt hổ. Hàng chục năm qua, già một mình theo dõi các dấu hiệu tàn phá rừng, sau đó báo cáo và phối hợp với chính quyền, bà con ngăn chặn.
Già vận động bà con nhận khoán bảo vệ rừng và trồng rừng mới. Những cánh rừng trước kia bị tàn phá bây giờ đã được thảm xanh.
Ở huyện Lạc Dương, những người yêu rừng, giữ rừng như già Ha Giản không phải là cá biệt. Chúng tôi dừng chân bên ngôi làng dưới chân Núi Bà tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais. Phía trên những ngôi nhà nhỏ ấy là cánh rừng ngút ngàn mờ ảo trong lớp sương mù.
Căn nhà nhỏ mong manh dưới chân núi là mái ẩm của già Bon To Sa Nga. Già cũng là người K’Ho như già Ha Giản. Già góa vợ, sống cùng các con trai.
Chỗ quen thuộc của già Sa Nga là bệ cửa trong căn bếp cuối nhà - nơi già ngồi trầm tư nghỉ ngơi sau mỗi chuyến đi rừng, đi rẫy về. Vị trí ấy phóng tầm mắt xa xăm ra những cánh rừng quen thuộc.
Già kể, trước năm 1975, rừng vào đến tận sát mép cửa sau chỗ già ngồi, rừng mênh mông lắm. Tuy nhiên, bà con cứ phá rừng làm rẫy, cứ làm một chỗ bỏ một chỗ, đi tới đâu đốt rừng tới ấy, đốt tràn lan. Không chỉ vậy, bà con chặt cây lấy gỗ bất kể bao nhiêu tuổi, gỗ quý hay không quý về làm nhà, làm cửa, làm hàng rào..
Khi đi tuần tra luôn có tổ trưởng, nhân viên trạm, hoặc đi có máy đánh vị trí, không đi qua loa một mình. Tất cả đều làm theo hợp đồng, nếu ai vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng, vi phạm nặng thì bị xử phạt.
Bình luận