Video: Bảo tồn những cá thể voi ít ỏi còn lại ở Tây Nguyên
Đến giờ anh Siu Kiêm vẫn chưa thể quên được cái đêm cách đây hơn 2 năm, Yẵ Tao, con voi nhà cuối cùng của người quản tượng cuối cùng ở vùng đất Ayun - Chư Mố (huyện Ia Pa, Gia Lai) đã không còn cơ hội vui với nắng gió đại ngàn.
Theo lời anh Siu Kiêm, tin voi Yẵ Tao gần 60 năm tuổi chết đầu tháng 12/2020 làm rúng động cả một vùng thung lũng Ayun rộng lớn trong nhiều ngày.
Voi Yẵ Tao khỏe mạnh, lực lưỡng khi xưa, từng giúp dân làng dựng bao ngôi nhà khang trang, kéo bao nhiêu cột điện thắp sáng đường quê nay nằm đó, im lìm, cô độc.
Tiếng khóc lan dần, vợ chồng anh Siu Kiêm chết lặng, đau đáu nhìn Yẵ Tao nằm bất động. Nỗi đau cuộn lên từ bên trong...
Rmah H’Ri, vợ của Siu Kiêm, khóc nghẹn bên xác Yẵ Tao. Theo phong tục địa phương, khi khóc phải quay lưng lại với người đã khuất để linh hồn người chết được siêu thoát. Có lẽ trong lòng Rmah H’Ri, voi Yẵ Tao không chỉ là một con vật. Vì vậy, H'Ri chỉ biết ôm lấy nhánh cây bên rừng gọi tên Yẵ Tao, nước mắt tuôn dài.
Đó là con voi nhà duy nhất còn lại của làng voi vang bóng một thời ở Tây Nguyên. Trong ký ức Siu Kiêm, của người làng ở vùng Ayun này thì Yẵ Tao là biểu tượng vĩnh cửu của làng.
Xưa kia, Chư Mố nổi tiếng là vùng nuôi nhiều voi với hàng chục con. Voi giúp người dân chuyên chở đồ vật, kéo gỗ làm nhà. Với người dân Chư Mố, voi không chỉ là một tài sản lớn mà còn là con vật linh thiêng, là niềm kiêu hãnh của dòng họ, buôn làng. Họ coi nghề nuôi, thuần dưỡng voi là bản sắc văn hóa của cha ông truyền lại, phải giữ gìn cho con cháu mai sau. Đó là tâm nguyện của người quản tượng cuối cùng ở vùng đất này, được trao truyền cho người con rể Siu Kiêm.
Theo thời gian, máy móc hiện đại dần thay thế sức voi. Những người quản tượng không đủ điều kiện nuôi voi đành phải bán dần. Cả một vùng Chư Mố nổi danh nuôi nhiều voi chỉ còn mình voi đực Bak Xôm của ông Ksor Chăm. Thương Bak Xôm đơn độc, năm 1990, ông Chăm đem phần lớn tiền bạc trong nhà đến phiên chợ voi tại tỉnh Đắk Lắk mua thêm Yẵ Tao.
Bak Xôm cùng Yẵ Tao kết duyên với nhau thắp lên hy vọng sẽ có những chú voi con khỏe mạnh chào đời. Nhưng rồi, hy vọng của dân làng bị dập tắt khi không lâu sau Bak Xôm bệnh nặng rồi chết. Yẵ Tao “góa bụa” khi mới hơn 20 tuổi.
Bak Xôm ra đi, niềm vui duy nhất của Yẵ Tao là được ở bên người chủ của mình. Nhưng ông ngày một già yếu, đau bệnh triền miên. Sợ voi thiếu đồ ăn sẽ phá hoại ruộng rẫy của dân làng nên ông chủ đưa voi lên núi Ia Tul ở.
Mỗi khi thấy khỏe trong người, ông Chăm lại lên rừng tìm Yẵ Tao trò chuyện. Gặp chủ, Yẵ Tao mừng lắm, cả ngày đùa nghịch dưới sông Tul để được chủ tắm rửa, vuốt ve. Rồi một lần nữa, Yẵ Tao phải đối diện với chuyện sinh-ly-tử-biệt. Tháng 4/2017, ông Chăm qua đời. Yẵ Tao được đưa về làng Plei Apa Kdranh để đưa tiễn chủ.
Ksor Alưh, con rể ông Chăm ngồi trên lưng voi dẫn đầu đoàn đưa tang. Thường ngày, voi rất sợ đông người, nhưng hôm ấy, dường như tất cả nỗi sợ hãi đều tan biến. Nó chỉ muốn ở bên cạnh linh cữu ông chủ. Rồi Yẵ Tao quỳ xuống bên mộ, rống lên hai tiếng dài thống thiết giã từ.
Ông Chăm qua đời, con rể Siu Kiêm thay ông chăm sóc Yẵ Tao. Anh ở trong khu rẫy của gia đình cách nơi Yẵ Tao ở chừng 3 km. Hàng ngày, anh Kiêm đều đặn ba lần vào núi dắt voi đi uống nước và di chuyển vị trí cột, đảm bảo cho voi có đủ thức ăn.
Đã có nhiều người đến gạ mua voi Yẵ Tao với giá cao, thậm chí có người còn đánh ngay một chiếc ô tô Santa Fe đời mới trị giá gần tỉ bạc đến nhà đòi đổi ngang con voi, nhưng anh Siu Kiêm một mực chối từ.
Theo lời anh Siu Kiêm, hôm ấy anh vào núi dắt voi đi uống nước. Yẵ Tao đột nhiên ngã quỵ, không đứng lên được. Hơn 10 năm chăm sóc Yẵ Tao, chưa bao giờ anh thấy voi đổ bệnh.
Mỗi khi bị tiêu chảy, Yẵ Tao thường tự tìm lá thuốc nhai, chỉ 1 - 2 ngày sẽ bớt. Nhưng lần này, linh cảm chuyện chẳng lành, anh Kiêm vội gọi người nhà mang đồ ăn vào rừng. Dường như đã kiệt sức, Yẵ Tao không thể nhúc nhích và không ăn được miếng nào.
Giữa bạt ngàn núi rừng, bên dòng sông Tul, Yẵ Tao nằm đó, rệu rã, mệt mỏi. “Sau bốn giờ cố gắng, khi thành viên cuối cùng trong nhà là anh Rmah Net, con trai đầu của cha vợ tôi có mặt, Yẵ Tao mới nhắm mắt ra đi. Chúng tôi hiểu nó muốn từ biệt tất cả thành viên trong gia đình”, anh Siu Kiêm kể.
Sợ nước dâng cao, có thể trôi mất xác voi, phần cũng sợ có người sau này đào trộm xương voi nên người nhà anh Siu Kiêm quyết định chở voi về chôn cất ngay bên rẫy của gia đình để tiện việc trông coi và cũng để Yẵ Tao đỡ hiu quạnh.
Sau nhiều nỗ lực của dân làng, Yẵ Tao được đưa lên xe công nông chở về địa điểm chôn cất. Yẵ Tao được đặt nằm ngay ngắn như đang ngủ. Người thân trong gia đình xuống huyệt, từ biệt Yẵ Tao lần cuối trong sự tiếc thương. Anh Siu Kiêm lặng lẽ nhổ những sợi lông đuôi của Yẵ Tao gói cẩn thận trong bì ni lông. Siu Kiêm muốn giữ lại một chút kỉ vật gì đó của Yẵ Tao để con cháu mai sau biết được truyền thống của gia đình. Mọi người cẩn thận phủ lên mình voi tấm bạt mới trước khi lấp đất đá đắp mộ.
Trong khuôn viên Khu du lịch cầu treo Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), có khu tưởng niệm hai chú voi Pắc Cú và H’Panh đã qua đời.
Theo lời một nữ nhân viên Khu du lịch, voi Pắc Kú được những gru (thợ săn voi) ở Bản Đôn bắt được vào mùa hè năm 1978. Sau gần 6 tháng thuần dưỡng, chú đã trở thành thành viên của đàn voi nhà Bản Đôn. Hiền lành, thân thiện và thông minh, Pắc Kú được người dân trong buôn làng và đám trẻ rất yêu thích. Chẳng bao lâu, Pắc Kú đã trưởng thành, hằng ngày chăm chỉ công việc nương rẫy và xuất sắc trong những lần cùng các gru vào rừng.
Năm 1988, một người ở huyện Chư Sê (Gia Lai) mang nhiều vật quý đổi lấy Pắc Kú. Đầu năm 2009, sau 21 năm xa đàn và buôn làng quen thuộc, Pắc Kú được đón về làm việc tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn.
Pắc Kú nghịch ngợm nhưng đặc biệt thông minh. Nó có cặp ngà đẹp, dài khoảng 1 m. Cũng chính vì đôi ngà mà voi Pắc Kú mang họa sát thân.
Khoảng 21h ngày 16/10/2010, trong cơn mưa cuối mùa Pắc Cú bị một nhóm trộm voi dùng vỏ lốp xe đốt lên, tẩm xăng gí vào người. Pắc Kú đau đớn, hoảng loạn di chuyển khiến dây xích cột voi càng siết chặt vào thân cây.
Đám người vô nhân tính tiếp tục dùng búa, rìu bổ liên tiếp vào người voi. Pắc Kú cố gồng xích thoát thân được.
Trên đường thoát thân, máu Pắc Kú văng tung tóe bám vào lá cây bên đường.
Sáng ra, nài voi vào rừng nhưng không thấy Pắc Kú, xung quanh chỉ thấy loang lổ vết máu, sợi xích dùng để buộc dưới chân chú voi nhà nặng gần 3 tấn này đã bị bứt đứt, trảng cỏ tranh bị xé toang, bùn đất bê bết… nên hốt hoảng cùng buôn làng theo những vết máu loang đi kiếm.
Khi chăm sóc cho voi, người Buôn Đôn đã bật khóc trước những vết thương trên cơ thể Pắc Cú, những vết chém rất sâu. Phần mặt, vòi cùng toàn bộ phía sau mông voi bị đốt cháy đen. Đuôi voi có hai đoạn bị chặt gần như đứt hẳn, hai chân sau bị chém lòi cả xương. Tổng cộng có 217 vết chém trên cơ thể Pắc Kú.
Pắc Kú được đưa về làng chữa trị. Hằng ngày, voi được đắp lá cây rừng và uống thuốc. Nhưng sau 2 tháng được cứu chữa, do vết thương quá nặng, 8h ngày 6/1/2011 Pắk Cú ngã gục xuống đất, đầu hướng về phía trước, trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33. Chú voi có cặp ngà đẹp nhất nhì Bản Đôn đã chết. Cái chết của Pắc Cú gây chấn động dư luận.
Sau khi Pắc Cú chết, lo sợ kẻ xấu nhăm nhe vào cắt ngà, nhân viên Khu du lịch phải thay phiên túc trực thâu đêm canh xác voi. Thậm chí, họ phải nhờ công an huyện, bộ đội đơn vị kết nghĩa đến bảo vệ xác Pắc Kú liên tục mấy ngày liền. Và chỉ khi mộ được đổ bê tông kiên cố, Pắc Kú mới được yên.
Cố Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) Trần Xuân Phước từng chia sẻ với Báo điện tử VTC News đầu năm 2023 , số voi nuôi ở Đắk Lắk đã giảm từ 502 con đầu những năm 1980 xuống còn 37 con tính đến năm 2023 (trong đó có 24 voi ở huyện Buôn Đôn, 12 ở huyện Lắk, một voi ở huyện Krông Ana).
Số lượng voi rừng còn khoảng 24 - 45 con (sinh sống trên phạm vi 4 huyện là Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Mgar và huyện Ea Hleo), trong khi cách đây 34 năm vẫn còn khoảng trên 2000 con.
Hơn 30 năm qua tại Đắk Lắk chưa có con voi nhà nào được sinh ra, trong khi đàn voi nhà của tỉnh đã già yếu và chết dần. Mặt khác, voi nuôi thiếu cơ hội được thể hiện hành vi tự nhiên, bị con người sử dụng quá mức nên tuổi thọ ngắn... 37 cá thể voi còn lại hầu hết đã già, không thể sinh sản.
Nguyên nhân của sự suy giảm trầm trọng số lượng voi này là do mất rừng, diện tích rừng ngày càng suy giảm, co hẹp làm mất nơi ở và sinh sống của voi. Không chỉ suy giảm về diện tích mà chất lượng rừng cũng giảm làm thức ăn của voi khan hiếm, từ đó khả năng, chất lượng sinh sản của đàn voi cũng giảm nên khả năng bổ sung số lượng cho đàn voi, bổ sung voi con cho đàn bị ảnh hưởng.
Một nguyên nhân nữa là do xung đột giữa voi với người và nạn săn bắn, bẫy bắt voi để lấy ngà và các sản phẩm từ voi cũng góp phần làm giảm số lượng quần thể voi .
Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk vậy nhưng, theo đại diện Vườn Quốc gia Yok Đôn, những năm gần đây, rất khó để gặp voi rừng. Năm 2022, chủ yếu phát hiện cá thể đơn lẻ (131 lần ghi thông tin), nhiều nhất là đàn 3 con. Năm 2023 có 87 lần ghi thông tin về voi xuất hiện, trong đó có 3 đàn, 10 con. Từ đầu năm 2024 đến nay chủ yếu phát hiện cá thể đơn lẻ (37 lần ghi thông tin), nhiều nhất là đàn 3 con.
Những năm 80 của thế kỷ trước, trẻ em và cả người lớn rất thích bài hát Chú voi con ở Bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Được biết, ngày ấy nhạc sĩ Phạm Tuyên đến Buôn Đôn, xúc động trước hình ảnh chú voi con chưa đầy một tuổi được chăm sóc trong vòng tay của người dân buôn làng, ông đã sáng tác ca khúc này. Sau bao nhiêu năm, âm điệu vui tươi của bài hát ấy vẫn vang vọng giữa Tây Nguyên đại ngàn.
Đàn voi Tây Nguyên đang bị suy kiệt nghiêm trọng, nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, thì có lẽ trong thời gian không xa nữa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong bài hát.
Như lời nói đắng chát của già Ma Doanh: "Mấy chục năm rồi buôn Đôn làm gì có con voi nhà nào được sinh ra"....
Bình luận