Khu vực bán hoa, cây cảnh đường Nguyễn Tất Thành (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) ngày 29 Tết vẫn dày đặc những chậu cúc, gốc đào, gốc mai...
Những người bán hàng mang vẻ mặt mệt mỏi, rầu rĩ bởi thi thoảng mới có vài vị khách ghé hỏi thăm dăm ba câu rồi đi.
Ngồi khép mình cho đỡ lạnh trong góc tối giữa chợ hoa, anh Mai Tiến Đồng (25 tuổi, ngụ phường Chi Lăng, TP Pleiku) bộc bạch: “Giờ này những năm trước tấp nập người mua, còn năm nay chợ hoa xuân vắng vẻ quá, ít khách hơn hẳn. Mình mang hơn 400 chậu hoa cúc lên nhưng tới hôm nay mới bán được vài chục chậu.
So với năm trước, hoa năm nay bung đẹp hơn và có nhiều giá khác nhau nhưng người dân không mấy mặn mà, lượng mua ít hẳn dù giá giảm. Không biết đến mai (30 Tết) người ta có mua nhiều hơn không, chứ mà kiểu này thì lỗ, lại chẳng có Tết rồi”.
Cạnh anh Đồng, anh Hòa, đến từ xã An Phú (TP Pleiku) cũng buồn rầu không kém. Năm nay anh nhập hơn 200 chậu quất, cây nào cũng đều quả, nặng trĩu nhưng hơn 1 tuần kể từ hôm chợ hoa bắt đầu mở đến nay, anh chỉ bán được gần 30 chậu.
“Mọi người thường có tâm lý chung là thích hoa, cây cảnh đẹp nhưng phải rẻ mới mua. Mấy hôm có khách tới nhiều tôi cũng vui lắm nhưng toàn là tới hỏi, trả giá rồi bỏ đi thôi. Họ thường chờ đến 30 Tết, đợi bọn tôi hạ giá rồi mua một lần mấy chậu. Mọi năm thương lái toàn bán phá giá, nhưng năm nay mà khách ép quá thì tôi với mấy anh em không bán dù chịu thua lỗ”, anh Hòa nói.
Bán tháo, bán phá giá đêm 30 Tết là tình trạng chung nhiều năm gần đây. Trong khi nhiều người ung dung đợi đến đêm 30 Tết, thời điểm hoa được hạ giá đến mức thấp nhất để mua thì người bán lại khóc ròng, bởi hoa lỗ đồng nghĩa với việc họ không có Tết.
Những năm trước, vào cuối ngày 30 Tết, cây quất giá hàng triệu đồng có thể hạ xuống chỉ còn 200-300 nghìn đồng; chậu cúc có giá hàng trăm nghìn đồng có thể chỉ còn vài chục nghìn đồng. Nhiều người vì không muốn bán lỗ nên tự mình đập nát hoa.
Nhớ lại cảnh này Tết năm ngoái, anh Phương (32 tuổi, đến từ Bình Định) cho biết gần giao thừa, nhiều khách đòi hạ giá đến mức "quá đáng" nhưng anh tiếc công mình chở đi chở về nên đành bán lỗ, bánh nhanh để vớt vát chút tiền về nhà với gia đình. Rút kinh nghiệm, năm nay anh chở ít cúc lên Gia Lai hơn nhưng lượng bán ra còn thấp hơn năm ngoái.
Trước viễn cảnh phải đại hạ giá đêm 30 Tết, nhiều thương lái khi bán "đủ lời" thì tranh thủ gom hoa, dọn dẹp để kịp trả lại mặt bằng cho thành phố đón Tết.
“Thật không ai muốn hét giá cao khi bán hoa nhưng do nhiều người cứ đợi đến đêm 30 mới mua hoa cho rẻ nên những ngày trước đó tôi đành phải phát giá nhỉnh hơn để bán cho lại vốn”, chị Bùi Thị Nguyệt (phường Chi Lăng, TP Pleiku) chia sẻ.
Bình luận