• Zalo

Dân 'đánh đu với tử thần' trên cây cầu gỗ 20 năm tuổi

Thời sựThứ Năm, 06/10/2016 08:30:00 +07:00Google News

Cây cầu dài khoảng 100m liêu xiêu, mục nát được ghép lại với nhau từ nhiều tấm ván gỗ đã “hết hạn sử dụng” là con đường độc đạo duy nhất để vào thôn Hùng Sơn, xã Tượng Văn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa).

Cây cầu Cóc thuộc địa bàn thôn Hùng Sơn có tuổi thọ hơn 20 năm, phục vụ nhu cầu đi lại cho 53 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu. Dù đã xuống cấp từ lâu nhưng cây cầu này vẫn chưa được sửa chữa, thay thế. Đứng trước mùa mưa bão năm nay, nó càng trở nên mong manh yếu đuối hơn bao giờ hết.

cau-TH

 Cây cầu Cóc này đã tồn tại hơn 20 năm nay - Ảnh: Lê Ban. 

Được biết, cây cầu này được bắc qua sông Nhị Long (một nhánh của sông Yên) do gia đình ông Nguyễn Thế Lí ở thôn Hùng Sơn xây dựng từ những năm 1988.

Sau một thời gian dài chèo đò đưa người dân sang sông, thấm thía được nỗi vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, ông bàn với vợ mình xẻ gỗ từ ngôi nhà của gia đình để làm cầu phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Lí) chia sẻ: “Trước đây tôi với chồng làm nghề chèo đò đưa người dân sang sông, nhưng vì tuổi già sức yếu, nên tôi bàn với ông nhà xây dựng cây cầu này cho người dân qua lại, tính ra nó cũng bằng tuổi con trai thứ 2 của tôi rồi.

Giờ đây chỉ mong sao các cấp, các ngành, các cá nhân, tập thể phải làm sao xây dựng được một cây cầu chắc chắn để chúng tôi yên tâm qua lại”.

ba-hanh

 Bà Nguyễn Thị Hạnh không khỏi lo lắng cho cây cầu trước mùa mưa bão. Ảnh: Lê Ban 

Hùng Sơn là một thôn nghèo nằm tách biệt với các thôn khác trong xã, cứ mỗi mùa mưa bão nơi đây lại bị cô lập hoàn toàn. Còn những ngày bình thường, cây cầu phải “oằn mình” với hàng trăm lượt xe cộ lưu thông qua đây, chủ yếu là xe máy và xe đạp.

Ngoài thôn Hùng Sơn, cây cầu Cóc này cũng là lối đi duy nhất của các thôn xã khác như: xã Anh Sơn, xã Cát Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia.

Theo quan sát của PV, chiếc cầu tự chế này có chiều rộng khoảng 1m, chiều dài gần 100m gồm có 8 nhịp (6 thuyền xi măng và 2 phao xi măng cỡ lớn) được đấu nối với nhau bằng thân tre, ván gỗ, dây sắt. Dù đã nhiều lần sửa chữa thế nhưng cây cầu vẫn liêu xiêu và không đảm bảo an toàn.

14543336_673635359453728_2075046521_n

 Dây thừng buộc giữ cố định vị trí của cầu cũng đã xơ xác theo thời gian - Ảnh Lê Ban.

14543424_673621652788432_1659346272_n

 Nhiều đoạn trên cầu đã hư hỏng nghiêm trọng - Ảnh: Lê Ban.

Được biết, để lưu thông qua đây mỗi khi trời mưa người dân phải thay nhau tát nước trong những chiếc thuyền dưới những tấm ván gỗ, nếu không những chiếc thuyền này sẽ đọng nước rồi từ từ chìm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

 Theo quan sát của PV, những vật liệu tạo nên cây cầu này đã hư hỏng nghiêm trọng, ván gỗ mục nát, đinh sắt bị hoen gỉ, dây nối giữa cầu với 2 bờ đã xác xơ và có thể bị đứt bất cứ lúc nào. Được biết đã có ít nhất 4 nạn nhân chết đuối khi di chuyển qua cây cầu này.

Ông Nhâm làm nghề chài lưới trên sông gần khu vực cây cầu cho biết, chính ông cũng không nhớ hết mình là ân nhân của bao nhiêu người nữa, chuyện rơi xuống sông vớt lên được xảy ra như cơm bữa, ông cũng chính là người đã vớt được hai trong bốn thi thể gặp nạn ở đây, và những hình ảnh đó mãi là nỗi ám ảnh trong tâm trí ông.

Khi vụ mùa đến, những người nông dân lại “rồng rắn” nối đuôi nhau chậm chạp di chuyển trên cây cầu. Dù biết tại nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng vì gánh nặng mưu sinh, người dân nơi đây vẫn đang “đánh cược” mạng sống của mình mỗi ngày.

14569870_673621126121818_1062292350_n

 Để về được đến nhà, các cháu bé phải đi qua cây cầu 20 năm tuổi này - Ảnh: Lê Ban.

Thấu hiểu được nỗi niềm đó, ông Phạm Đăng Thái Phó chủ tịch xã Tượng Văn chia sẻ: “Vẫn biết được sự khó khăn, nguy hiểm của người dân thôn Hùng Sơn nhưng việc xây cầu là nằm ngoài tầm tay của xã và huyện. UBND cũng đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, lên tỉnh nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó.

Mỗi năm, khi mùa mưa bão đến, xã luôn có kế hoạch cắt cử người giám sát và hướng dẫn không được cho người dân qua đây. Ngoài ra, cũng mong các cấp, các ngành quan tâm hơn đến thôn Hùng Sơn để khi lưu thông qua đây không phải nơm nớp lo sợ nữa".

Video: Nín thở với cảnh học sinh đi qua cầu dân sinh 20 năm tuổi

Lê Ban
Bình luận
vtcnews.vn