• Zalo

Đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Điện Biên có đáng lo ngại?

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 25/07/2020 11:17:05 +07:00Google News
(VTC News) -

Cơ quan chức năng nhận định đàn châu chấu tràn vào Điện Biên có sức tàn phá không lớn, địa phương có kinh nghiệm xử lý nên sẽ hạn chế thấp nhất mức ảnh hưởng.

Sáng 25/7, trả lời phóng viên VTC News, ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết, khoảng 1 tuần nay, người dân trên địa bàn phát hiện châu chấu tre xâm nhập từ hướng biên giới Trung Quốc phá hoại hoa màu và rừng tre, nứa.

“Đàn châu chấu xâm nhập từ biên giới Trung Quốc vào địa bàn xã Sín Thầu. Châu chấu gây hại khoảng 3 – 5ha hoa màu, cùng với một số diện tích rừng tre, nứa rải rác không đáng kể”, ông Dế nói.

Theo lãnh đạo huyện Mường Nhé, tại mỗi địa bàn châu chấu chỉ xuất hiện một lúc xong lại bay sang nơi khác. Hôm nay, huyện sẽ thống kê thiệt hại cụ thể của từng địa phương.

Nói về khả năng tàn phá của đàn châu chấu này, ông Thào A Dế cho biết, dịch châu chấu lần này bình thường, không đáng lo ngại, huyện cũng đã có kinh nghiệm, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống nên sẽ hạn chế thấp nhất mức ảnh hưởng.

Đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Điện Biên có đáng lo ngại? - 1

Các cán bộ phun thuốc trừ châu chấu tại Điện Biên. (Ảnh: Điện Biên Phủ Online)

Sáng cùng ngày, trả lời phóng viên VTC News, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho hay, trước tình trạng châu chấu gây hại, Sở đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt thông tin nguồn châu chấu di chuyển, gây hại trên địa bàn.

Các đơn vị tập trung xác định hướng di chuyển, khu vực châu chấu ghép đôi để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của châu chấu tre đến cây trồng.

“Trong sáng nay, chúng tôi chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp các ban ngành đi kiểm tra tại khu vực xã Sìn Thầu, nơi bị đàn châu chấu tàn phá. Nói chung không có vấn đề gì lớn, chúng tôi có kinh nghiệm xử lý từ năm 2016, đàn châu chấu này sức ảnh hưởng không bằng năm 2016”, ông Hải nói thêm.

Còn theo Cục Bảo vệ thực vật, loài châu chấu đang gây hại trên một số diện tích tre và hoa màu ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên không phải là châu chấu sa mạc mà là châu chấu tre. Loài châu chấu tre này vẫn xuất hiện hàng năm ở khu vực này và di cư qua lại giữa Việt Nam, Trung Quốc và Lào.

Do châu chấu tre di chuyển đều là châu chấu trưởng thành và một số đang ghép đôi nên sẽ tiếp tục bay phân tán, nguy cơ sẽ co cụm và đẻ trứng tại một số khu vực đồi tre, chít tại các địa điểm châu chấu xuất hiện và tiếp tục di thực gây hại các nương ngô trên địa bàn.

Trước đó, vào cuối tháng 6, Điện Biên cũng ghi nhận đàn châu chấu tre lưng vàng di thực theo hướng từ biên giới khu vực Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Trung Quốc) vào huyện Điện Biên, TP Điện Biên Phủ với số lượng lớn, di chuyển nhanh.

Qua kiểm tra, đàn châu chấu này đang ở giai đoạn sinh trưởng bắt đầu mọc cánh, chưa gây hại đến cây trồng của người dân. Các cơ quan chuyên môn sau đó đã phun thuốc diệt trừ.

Đăng Khoa
Bình luận
vtcnews.vn