Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đại dịch châu chấu là mối đe dọa lớn tới nguồn lương thực của hàng triệu người trên Trái Đất, khi chúng vừa gây thiệt hại nghiêm trọng ở Kenya, Ethiopia và Somalia.
Keith Cressman, chuyên gia dự báo thảm họa châu chấu của FAO cho biết, biến đổi khí hậu đã tạo ra nạn châu chấu hoành hành và là mối đe dọa cho an ninh lương thực của 25 triệu người trên thế giới.
Chuyên gia của FAO giải thích rằng, nguyên nhân khiến quần thể châu chấu sa mạc gia tăng trong thời gian qua là do môi trường ẩm ướt và xuất hiện nhiều địa điểm có thảm thực vật.
Cơn bão Mekunu hồi tháng 5/2018 tạo ra môi trường sống lý tưởng ở sa mạc ở khu vực Ả Rập Saudi, Ô-man và Yemen cho châu chấu sa mạc.
“Ngay khi khí hậu vừa khô hanh trở lại và thời kỳ sinh sản kết thúc thì một cơn bão mới ập tới”, ông Cressman cho biết.
“Điều này tiếp tục tạo môi trường sống thuận lợi và chu kỳ sinh sản khác cho châu chấu. Bởi vậy thay vì tăng lên 400 lần, chúng đã tăng lên 8000 lần”, chuyên gia nhấn mạnh.
“Thông thường một cơn bão sẽ tạo ra điều kiện lí tưởng trong khoảng 6 tháng, sau đó các nguồn sống sẽ cạn kiệt, việc sinh sản không được thuận lợi, chúng sẽ chết hoặc di cư”, đại diện FAO giải thích.
Video: Những thảm họa châu chấu trên thế giới (Nguồn: VTC14)
Nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu, làm gia tăng số lượng các cơn bão và tiếp đó là lượng mưa tăng, tạo điều kiện cho châu chấu sa mạc sinh sôi. Đại diện FAO chỉ thêm rằng, cát ẩm hoặc đất sét chính là nơi loại côn trùng này sinh sản.
Theo báo cáo của FAO, gần đây đã có ít nhất 10 quốc gia hứng chịu thiệt hại do nạn châu chấu. Đó là Kenya, Ethiopia, Yemen, Iran, Sudan, Eritrea, Ai Cập, Arap Saudi, Somalia và Oman.
Tháng 2 vừa qua, Liên hợp Quốc đã kêu gọi tài trợ 138 triệu USD nhằm giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn châu chấu. Tới ngày 16/3, tổng số tiền tài trợ đã nhận được là 105 triệu USD.
Bình luận