Lần đi buýt điện đầu tiên đủ thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận và xóa bỏ thành kiến của tôi về xe buýt.
Do đặc thù công việc không quá bó buộc về thời gian, tôi sử dụng khá nhiều loại phương tiện, từ xe cá nhân đến các dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, tuy nhiên tuyến đường mà tôi đi chỉ có xe chạy xăng. Mới đây, do công ty chuyển trụ sở, tôi mới có dịp đi thử xe buýt điện và kể từ đó rất hay sử dụng phương tiện này.
Bỏ qua sự tán thưởng về cung cách phục vụ văn minh, lịch sự hoặc yếu tố xe mới, tôi ưng ngay buýt điện vì nó không ồn như xe chạy xăng, cũng không có cảnh ống xả xì ra khói đen làm ngạt thở người đi đường. Không xả khói, xe cũng sạch sẽ thơm tho hơn, không gian bên trong tạo cảm giác sang trọng hơn dù giá vé vẫn bình dân như buýt xăng.
Có thể cảm nhận rõ sự thoải mái của hành khách trên xe buýt điện, nhiều người còn nhắm mắt thư giãn trong lúc chờ tới điểm đỗ của mình, điều khó có được khi ngồi trên chiếc ô tô chạy xăng luôn bám mùi khó chịu và phát ra tiếng động cơ ồn ào. Những người quen của tôi từng trải nghiệm loại xe năng lượng sạch này đều cực kỳ ưng ý, điều duy nhất chưa hài lòng là Hà Nội còn quá ít tuyến sử dụng buýt điện.
Vì yêu thích, tôi tìm đọc thông tin về buýt điện và càng tâm đắc với loại xe này. Không sử dụng xăng dầu, buýt điện sẽ không đẩy nhanh quá trình cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, nguồn năng lượng không thể tái tạo. Sử dụng xe điện đồng nghĩa với việc giảm phát thải khí nhà kính, tránh làm tăng gánh nặng cho môi trường.
Ngoài ra, đây cũng là cách tiết kiệm vì hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn: Xe buýt điện có thể chuyển đổi hơn 50% năng lượng điện, trong khi xe buýt thường chỉ có thể chuyển đổi gần 20% năng lượng được lưu trữ trong xăng. Xe buýt điện có chi phí vận hành thấp hơn, nhu cầu bảo dưỡng cũng thấp hơn.
Theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành Giao thông Vận tải, từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện và năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng loại năng lượng này. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện và năng lượng xanh.
Những mục tiêu trên cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong việc sử dụng nguồn năng lượng bền vững. Điều người dân mong mỏi là việc hiện thực hóa chương trình hành động này.
Tại Hà Nội, dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 68 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện. Trong quý 1/2024, Hà Nội có 9 tuyến buýt hết hạn thầu và thành phố có thể thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện cho các tuyến này.
Dẫu biết thay cũ, đổi mới luôn phải có lộ trình, rất nhiều xe buýt xăng đang chạy ở Hà Nội là xe mới và chúng cần được tận dụng trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng là người sử dụng dịch vụ, tôi không khỏi có cảm giác mong mỏi có nhiều tuyến xe buýt xăng sớm hết hạn thầu để chuyển đổi sang xe điện.
Liệu có cách nào giải bài toán kinh tế để thay hoàn toàn, hoặc chí ít là thay đa số xe xăng bằng xe điện sớm hơn, trước hết là tại Hà Nội và TP.HCM, nơi áp lực ô nhiễm không khí đang ở tình trạng khẩn cấp? Chẳng hạn, với những xe xăng còn niên hạn, nên chăng cân nhắc việc bán hoặc cho, tặng một số địa phương còn chưa bị áp lực lớn về môi trường, cũng chưa có điều kiện mở rộng hệ thống buýt, hoặc chuyển dịch xe xăng ra các tuyến vùng ven, ngoại thành...?
Mong các cơ quan hữu trách quan tâm nghiên cứu, nỗ lực đẩy nhanh việc chuyển đổi, bởi đây không chỉ là đáp ứng nhu cầu hưởng dịch vụ giao thông công cộng chất lượng cao của người dân mà còn là cứu môi trường.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận