Được xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc – được biết đến chủ yếu với sản phẩm Đạm Hà Bắc – là một trong những thương hiệu lâu đời nhất của ngành sản xuất phân bón Việt Nam.
Bước ngoặt đối với Đạm Hà Bắc bắt đầu vào năm 2010 khi công ty thực hiện đầu tư dự án cải tạo mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc từ 180.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm.
Năm 2015, dự án mở rộng bắt đầu đi vào hoạt động nhưng đây cũng là thời điểm mà ngành phân bón bước vào giai đoạn bão hòa, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu.
Nhu cầu phân đạm của Việt Nam chỉ vào khoảng 2 triệu tấn/năm trong khi công suất của 4 nhà máy chính đã lên đến 2,65 triệu tấn/năm.
Đạm Ninh Bình – nhà máy phân đạm được Vinachem mới đầu tư xây dựng – đã lỗ lớn ngay từ khi đi vào hoạt động. Tính chung giai đoạn 2013-2016, công ty này lỗ hơn 3.300 tỷ đồng; riêng trong năm 2016 lỗ gần 1.080 tỷ.
Tương tự như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc đã lỗ 670 tỷ đồng trong năm 2015, tăng lên 1.040 tỷ trong năm 2016 và dự kiến sẽ lỗ tiếp 850 tỷ đồng trong năm 2017.
Đưa dây chuyền mở rộng vào hoạt động giúp doanh thu của Đạm Hà Bắc tăng lên không kể trong khi công ty lại phải gánh chi phí khấu hao và lãi vay rất lớn nên việc thua lỗ lên đến nghìn tỷ mỗi năm trong bối cảnh hiện nay là điều không mấy bất ngờ.
Trong quý 1/2017, Đạm Hà Bắc đã lỗ thêm 218 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.939 tỷ đồng. Với khoảng gần 8.000 tỷ đồng vay nợ thì hàng năm Đạm Hà Bắc đã phải “cõng” khoản chi phí tài chính không dưới 700 tỷ đồng.
Không chỉ 2 công ty sản xuất phân đạm, Vinachem cũng đang phải chật vật gánh lỗ từ 2 công ty sản xuất phân DAP là DAP Đình Vũ (DDV) và DAP Lào Cai.
DAP Đình Vũ sau 3 năm cầm cự để không lỗ cũng đã lỗ gần 500 tỷ trong năm vừa qua khi mà doanh thu sụt giảm chỉ còn 1/2 so với năm 2015. Còn DAP Lào Cai cũng lỗ ngay khi đi vào hoạt động năm 2015 do giá phân bón xuống thấp. Doanh nghiệp này lỗ 100 tỷ trong năm 2015 và 800 tỷ trong năm 2016.
Cả 4 doanh nghiệp phân bón này đều nằm trong số 12 doanh nghiệp yếu kém đang được Bộ Công Thương xây dựng, hoàn thiện các phương án xử lý để trình Thường trực Chính phủ thảo luận và sớm gửi Bộ Chính trị cho ý kiến.
Do phải gánh kết quả thua lỗ của 4 công ty trên cùng một số doanh nghiệp lớn khác giảm lợi nhuận đã khiến cho Tập đoàn Hóa chất - Vinachem bị lỗ khoảng 565 tỷ đồng trong năm 2016. Các năm trước đó, Vinachem là một trong những tập đoàn kinh tế làm ăn có hiệu cao quả với lợi nhuận luôn ở mức vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Video: Điểm lại những dự án thua lỗ nghìn tỷ của PVN
Bình luận