“Tương lai của Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước Việt - Mỹ giờ đây tươi sáng hơn bao giờ hết. Nhưng hành trình của chúng ta chưa kết thúc; chúng ta còn chặng đường xa phải đi” - Đại sứ Ted Osius nhận định ngay trong phần mở đầu bài phát biểu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chiều 27/9, trong khuôn khổ cuộc tọa đàm “Tăng cường quan hệ hợp tác Mỹ - Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Obama”.
Cần chuyển cam kết thành hành động
Trích dẫn lời bác học Lê Quý Đôn “Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng” và cho rằng “quan điểm sáng suốt này vẫn đúng cho đến ngày nay”, Đại sứ Ted Osius cho rằng bản Tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề ra một kế hoạch đầy tham vọng và có phạm vi rộng lớn nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác đang lớn mạnh giữa Việt Nam và Mỹ.
“Hôm nay, tôi tái khẳng định cam kết của Mỹ nhằm đạt được những mục tiêu đó” - ông nhấn mạnh - “Nhưng giờ đây điều quan trọng nhất là chúng ta phải chuyển những cam kết của chúng ta thành hành động, và làm cho tầm nhìn của các lãnh đạo hai nước trở thành hiện thực”.
Sau đó, trả lời câu hỏi đang được nhiều người lưu tâm là liệu chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam có thay đổi khi Mỹ có tổng thống mới vào năm sau, Đại sứ Ted Osius khẳng định: “Ở Mỹ hiện có một điều rõ ràng là thành viên cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều xem châu Á là khu vực quan trọng và coi trọng tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á".
"Tương lai của Mỹ là châu Á, lợi ích của chúng tôi ở đây. Dù ai là tổng thống thì lợi ích cũng không thay đổi”, ông Ted Osius nhấn mạnh.
Ông cũng nhắc lại: "Trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Obama đã nói Mỹ quan tâm phát triển quan hệ với Việt Nam không chỉ dựa trên mối quan tâm riêng của cá nhân ông, mà còn quan tâm chung, xuất phát từ quyền lợi chung của Mỹ. Việt Nam là một quốc gia với 93 triệu dân, đóng vai trò quan trọng với khu vực Thái Bình Dương, nên phát triển quan hệ với VN mang tầm quan trọng chiến lược với Mỹ".
Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam
“Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành một đối tác mạnh với một nền kinh tế phát triển tốt và bền vững” - Đại sứ Osius khẳng định.
Đánh giá “Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực”, đồng thời đại sứ Ted Osius cũng cho biết “trong số 50 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, chỉ có 3 thị trường có mức tăng trưởng hai chữ số. Và, trong 3 thị trường đó thì Việt Nam là thị trường lớn nhất”.
Trả lời câu hỏi của các cán bộ nghiên cứu, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về cơ hội hợp tác của hai nước trong thời gian tới khi nước Mỹ có tổng thống mới, Đại sứ chia sẻ: “Doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về Việt Nam, theo dõi sát sao Việt Nam cải cách và sẵn sàng cam kết cùng Việt Nam tiến tới tương lai”.
Ông cũng đưa ra những gợi ý: “Việt Nam cần tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước, tạo không gian cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh, cơ chế hải quan phải chuẩn mực hóa theo quốc tế, bảo vệ sở hữu trí tuệ, các thông lệ lao động công bằng sẽ được thực thi ở mọi nơi, có chung tiêu chuẩn môi trường cho mọi doanh nghiệp, pháp luật Việt Nam phải công bằng và minh bạch…” .
Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Họ không chờ tới TPP có hiệu lực để có quyết định kinh doanh của mình Đại sứ Ted Osius
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết thêm: “Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Họ không chờ tới TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực để có quyết định kinh doanh của mình. Đặc biệt trong đầu tư, con số đầu tư của Mỹ ngày càng tăng. VN đã có quyết định thông minh khi đàm phán TPP và trước khi hiệp định có hiệu lực, VN đã hưởng những lợi ích từ hiệp định này mang lại do quyết định sáng suốt của mình, và hiệp định sẽ còn mang lại nhiều lợi ích hơn nữa trong quá trình hội nhập của VN”.
Phải tạo cơ hội giao lưu nhân dân
“Trong khi hợp tác kinh tế là trọng yếu đối với tương lai của quan hệ Mỹ - Việt Nam, quan hệ đối tác sâu sắc hơn mà chúng ta hướng tới phải vươn ra ngoài phạm vi mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và tạo các cơ hội kinh doanh và thương mại”, Đại sứ Ted Osius nhìn nhận.
Theo ông, nếu hai nước “muốn xây dựng một Quan hệ Đối tác Toàn diện thực sự - một mối quan hệ mà chúng ta đến với nhau không chỉ với tư cách là các chính phủ, mà còn với tư cách là các quốc gia - thì chúng ta phải tạo cơ hội cho các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước”.
Ông bày tỏ: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng không có hình thức giao lưu nào hiệu quả hơn trong việc loại bỏ thành kiến và tạo ra các mối gắn kết xã hội bằng việc đầu tư vào giáo dục thế hệ trẻ của chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi rất phấn khởi về việc sắp khởi động hai sáng kiến giáo dục quan trọng: Đoàn Hòa bình (Peace Corps) tại Việt Nam, và trường Đại học Fulbright Việt Nam”.
Đại sứ bày tỏ hi vọng “đó sẽ mới chỉ là hai chương trình đầu tiên trong nhiều chương trình giao lưu tương tự mà sẽ tạo nên những mối gắn kết suốt đời giữa giới trẻ của hai nước chúng ta”.
Đề cập đến cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và xây dựng lòng tin hơn nữa giữa các quân nhân của hai nước, Đại sứ Ted Osius cho biết “Quyết định của Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán trang thiết bị quốc phòng sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận nhiều hơn những công cụ các bạn cần để đảm bảo an ninh của mình. Tôi mong đợi mở rộng sự cộng tác của chúng ta trong việc nâng cao năng lực biển của Việt Nam và hợp tác về cứu trợ nhân đạo trong trường hợp thiên tai”.
Bình luận