"Một cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng đã diễn ra vào ngày 22/2 khi một nhóm có vũ trang tấn công vào Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha. Hành động xâm nhập bất hợp pháp, chiếm cứ cơ quan ngoại giao và cưỡng chiếm đã vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Loại hành động không bao giờ được dung thứ trên toàn cầu.
Chúng tôi mong các cơ quan liên quan điều tra đến cùng vụ việc một cách trách nhiệm để đưa những kẻ khủng bố và những kẻ giật dây ra công lý theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ chờ đợi kết quả", KCNA dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Tuyên bố này là lần đầu tiên Bình Nhưỡng lên tiếng về vụ đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid.
Hôm 22/2, khoảng 10 đối tượng xông vào đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid, Tây Ban Nha. Nhóm này được cho là đã khống chế và bịt miệng các nhân viên ngoại giao và lục lọi cơ sở này trong 4 giờ đồng hồ, sau đó lấy đi các máy tính và thiết bị điện tử khác.
Các đối tượng leo lên 2 chiếc xe gắn biển ngoại giao của đại sứ quán Triều Tiên tẩu thoát. Hai chiếc xe sau đó bị bỏ lại.
Truyền thông Tây Ban Nha dẫn tuyên bố từ tòa án Tây Ban Nha hôm 26/3 cho biết, người đứng đầu cuộc tấn công là Adrian Hong Chang đã giao các tài liệu lấy được từ đại sứ quán Triều Tiên và chuyển cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI. Trước đó, Chang đóng giả làm một nhà đầu tư trong lần gặp mặt với tham tán thương mại của đại sứ quán Triều Tiên So Yun-sok.
Vào chiều 22/2, Chang đưa nhóm người của mình vào bên trong trước sự đồng ý của các nhân viên an ninh đại sứ quán, do họ cho rằng Chang có quen biết với ông So và bản thân Chang cũng đã gọi điện hẹn trước. Tuy nhiên, khi vào bên trong, nhóm người của Chang vốn được trang bị dao, thanh sắt và súng giả đã khống chế các nhân viên trong đại sứ quán, lấy cắp một số tài liệu quan trọng, trong đó có một dàn máy tính rồi rời đi.
Hôm 29/3, nhóm Dân phòng Cheollima (CCD) đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đột nhập nhưng khẳng định không hề đột nhập mà được mời tới đại sứ quán và cũng không hề có hành vi đánh đập hay sử dụng vũ khí tại đây. Nhóm này hiện đã ngừng hoạt động sau khi tòa án Tây Ban Nha phát lệnh truy nã quốc tế với 2 thành viên của nhóm được cho là đang ở Mỹ.
Theo ông Thae Yong-ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên đào tẩu khỏi Anh năm 2016, Triều Tiên không muốn đề cập tới vụ việc có thể là vì bởi số máy tính đặc biệt quan trọng, dùng để giải mã các bức điện tín trao đổi giữa Bình Nhưỡng và các đại sứ quán ở nước ngoài đã bị nhóm đối tượng lấy cắp.
Bình luận