Trả lời phỏng vấn VTC News, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đánh giá cao về tầm quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời chia sẻ triển vọng phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện của hai nước trong thời gian tới.
- Đánh giá của Đại sứ về thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Việt Nam đã diễn ra trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Việc Việt Nam có thể kiềm chế phần lớn đại dịch và nằm trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế tích cực cho thấy hiệu quả mà Việt Nam có được khi đối phó với thách thức này.
Đại hội XIII đã xác định những cơ hội và thách thức Việt Nam phải đối mặt trong những năm tới và đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5-10 năm nữa. Tầm nhìn trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đã đặt ra mục tiêu rõ ràng cho đất nước là cần phải nỗ lực cao, với một chiến lược dài hạn.
Với tư cách là bạn bè và đối tác thân thiết, chúng tôi chúc Việt Nam thành công và sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác nhiều mặt cùng có lợi. Sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới sẽ đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.
Tổng thống Ấn Độ cũng đã gửi điện chúc mừng tới Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng thống bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng Bí thư và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Chính phủ và Nhân dân Ấn Độ - Việt Nam.
- Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ Việt - Ấn sẽ phát triển mạnh mẽ, thưa Đại sứ?
Việt Nam là một trong những người bạn và đối tác thân thiết nhất của Ấn Độ. Với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, hiện có nhiều lĩnh vực chúng ta đang hợp tác hiệu quả.
Trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa thủ tướng hai nước vào tháng 12/2020, hai bên thông qua “Tầm nhìn chung vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người”, mang tính lịch sử và định hướng cho sự phát triển trong tương lai của mối quan hệ giữa hai nước.
Quan hệ đối tác quốc phòng cũng như hợp tác kinh tế là những trụ cột quan trọng trong tương lai của chúng ta. Ngoài ra, quản lý tài nguyên nước, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bảo tồn di sản là một số lĩnh vực mới nổi trong quan hệ đối tác phát triển của hai bên.
Các lĩnh vực như năng lượng, không gian và công nghệ kỹ thuật số sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn trong các hoạt động của chúng ta. Bởi vì cả 2 quốc gia đều quyết tâm nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kết nối trực tiếp sẽ mang cả người dân và doanh nghiệp của chúng ta đến gần nhau hơn và đây là một ưu tiên quan trọng khác của mối quan hệ trong tương lai của chúng ta.
Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của chính phủ Việt Nam và theo Tầm nhìn chung do lãnh đạo của hai nước thống nhất đề ra, hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ trong tất cả các lĩnh vực này sẽ ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Năm 2020 là một năm khó khăn cho thế giới nói chung và cho Ấn Độ nói riêng. Đặc biệt là vấn đề đại dịch COVID-19, kinh tế suy thoái, căng thẳng leo thang với Trung Quốc…. Ấn Độ đã làm gì để vượt qua những thách thức này, thưa Đại sứ?
Năm 2020 là một năm khó khăn đối với toàn thế giới do đại dịch COVID-19 và cách nó tác động đến hầu hết các khía cạnh của xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu nhìn vào tình hình hôm nay một cách khách quan, chúng ta có thể thấy Ấn Độ đã thoát ra khỏi bóng tối của những khó khăn này một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của nhiều chuyên gia.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ có thể xem là thấp nhất trong số các quốc gia lớn và số ca dương tính chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số. Ấn Độ cũng đã xoay sở để biến cuộc khủng hoảng do COVID-19 thành cơ hội theo nhiều cách. Ví dụ, chúng tôi đã nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và trở thành nhà cung cấp quan trọng đảm bảo an ninh y tế cho thế giới.
Điều này thể hiện rõ trong việc chúng tôi cung cấp các loại thuốc thiết yếu cho gần 150 quốc gia trên thế giới để chống lại đại dịch. Điều này cũng thể hiện qua việc Ấn Độ thực hiện đợt tiêm chủng lớn nhất chưa từng thấy trong lịch sử loài người với 2 loại vaccine “made in India”, hiện đang được vận chuyển đến nhiều quốc gia.
Ngay cả sự phục hồi kinh tế cũng đang đi đúng hướng như đã thấy trong quỹ đạo tăng trưởng tích cực của quý vừa qua. Tầm nhìn của Thủ tướng về một “Ấn Độ tự cường” đang dẫn dắt chúng tôi tạo ra các năng lực nội tại để giúp chúng tôi hội nhập hiệu quả hơn với thế giới.
Được dẫn dắt bởi tầm nhìn này, Ấn Độ đã thực hiện một số bước đi chưa từng có trong việc chuyển đổi các lĩnh vực nông nghiệp, lao động, giáo dục và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư và hoạt động. Với những biện pháp này, chúng tôi tin tưởng rằng Ấn Độ sau đại dịch sẽ là một quốc gia mạnh mẽ hơn so với trước đại dịch.
- Hiện nay có một sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác. Ấn Độ là một trong những quốc gia được yêu thích nhất trong số những lựa chọn này. Ấn Độ đón nhận sự chuyển dịch này ra sao?
Theo số liệu thống kê được báo cáo rộng rãi, bất chấp những gián đoạn liên quan đến đại dịch, Ấn Độ đã thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 57 tỷ USD trong năm 2020, tăng 13% so với năm trước.
Điều này bao gồm một khoản đầu tư lớn để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của chúng tôi. Đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chúng tôi và là lĩnh vực nổi trội giúp nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu chọn Ấn Độ là điểm đến ưa thích.
Chúng tôi tin rằng, đây là kết quả của một số bước đi táo bạo của Chính phủ Ấn Độ để chuyển đổi nền kinh tế và môi trường kinh doanh. Từ đó tạo đủ niềm tin cho các nhà đầu tư.
Như tôi đã đề cập trước đó, tầm nhìn của Thủ tướng Modi về một “Ấn Độ tự cường” là động lực chính thúc đẩy sự chuyển đổi này, và đã giúp Ấn Độ thoát ra khỏi bóng tối của đại dịch.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
Bình luận