• Zalo

Đại sư Nam Anh: Tôi từng dạy cả ngàn cao thủ, chỉ một Flores thì đâu thể dương danh

Thể thaoThứ Năm, 11/07/2019 10:28:00 +07:00Google News

Theo đại sư Nam Anh, việc giao lưu võ thuật mới giúp các võ sư, võ sĩ hiểu vị trí của bản thân, kìm hãm sự kiêu mạn và tôi luyện ý chí sắt thép.

Suốt thời gian qua, môn phái Vịnh Xuân Chính thống phái (Vịnh Xuân Nam Anh) luôn trở thành tâm điểm của làng võ Việt Nam thông qua những màn giao lưu võ thuật của Flores và một số đồng môn người Canada.

Là vị chưởng môn đứng đầu môn phái nhưng hiện tại, đại sư Nam Anh đang sinh sống ở Pháp và ông hoàn toàn "quy ẩn" trước giới truyền thông, bởi cho rằng mình đã luống tuổi, không còn màng thế sự. Tối 10/7, trong một lần hiếm hoi trò chuyện cùng đại sư Nam Anh, vị trưởng bối trong giới võ lâm đã có những chia sẻ cởi mở để nói lên những suy nghĩ của mình.

-Xin kính chào đại sư Nam Anh. Thời gian vừa qua, làng võ Việt đã nói rất nhiều về những cuộc giao lưu võ thuật của một số môn đồ thuộc môn phái, trong đó có Flores tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng môn phái chỉ cử các võ sĩ nước ngoài về giao lưu thay vì các võ sĩ người Việt. Đại sư có thể đưa ra một vài quan điểm về vấn đề này?

Hiện tại tôi đang ở Pháp. Tôi không sinh hoạt với hội đồng lãnh đạo nên không nắm rõ việc này. Nhưng mấy anh chàng Tây này chưa phải là có trình độ cao để mà môn phái phải cử đâu. Chúng đi chơi rồi bị thách đấu thì tiện tay đấu chơi vui mà.

Cũng giống như bạn lại nhà ba mẹ chơi thấy có mấy anh cao bồi lớn tiếng nên ra mặt đó thôi. Còn môn phái tại bên trời Tây có quyền lợi hay tranh chấp gì to lớn mà phải cử người về đấu đâu? Chúng toàn là khách du lịch và môn sinh trình độ rất xoàng, ngay cả Flores cũng chỉ là HLV thôi. 

dai su nam anh

 Đại sư Nam Anh cùng các đệ tử.

- Đại sư có thể cho biết, bên Canada và nhiều nơi khác nữa trên thế giới, những võ sư có trình độ cao hơn Flores có nhiều không ạ?

Tất cả môn sinh Vịnh Xuân Nam Anh dù thấp hay cao cũng đều phải học nhân cách võ đạo trước hết nên đa phần họ đều lễ phép và nhã nhặn.

Bạn cứ thử nghĩ xem, tôi đã gây dựng môn phái hơn nửa thế kỷ, chống đỡ phong ba những ngày đầu tại xứ người đã 40 năm và đào tạo cả ngàn cao thủ, chạm mặt biết bao anh hùng hảo hán mà vẫn tồn tại riêng một góc trời, nếu chỉ 1 Flores thì chẳng thể dương danh như vậy.

- Những cuộc giao lưu võ thuật của Flores luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Khen chê đều có. Với cương vị là Chưởng môn đứng đầu môn phái, đại sư có ủng hộ việc các môn sinh trong môn phái giao lưu như vậy và những cuộc giao lưu như thế sẽ có ý nghĩa gì, thưa đại sư?

Flores chỉ là huấn luyện viên cao cấp thôi đâu đã là võ sư. Chuyện giao lưu học hỏi là bắt buộc và không riêng nghề võ đâu. Giao lưu mới hiểu vị trí của bản thân, kìm hãm sự kiêu mạn và tôi luyện ý chí sắt thép của một dũng tướng. Cổ nhân có câu: Anh hùng biết anh hùng. Chỉ tiếc rằng thời buổi bây giờ nền võ học suy đồi quá nên nhiều tiêu cực hơn là tích cực.

dai su nam anh

 Đại sư Nam Anh hướng dẫn một số kỹ thuật cho Flores.

- Vậy đại sư có thể chia sẻ một vài ý kiến riêng để thúc đẩy và phát triển phong trào võ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh nền võ học đang có dấu hiệu thoái trào?

Thì các quý vị võ sư chân chính cũng đều thấy cả và cũng biết phải làm sao rồi. Ai cũng có một thời và tôi cũng có một thời sôi nổi nên giờ chỉ mong được nhìn lại cuộc đời, nhìn nước chảy hoa trôi là mãn nguyện rồi. Tất cả xin nhường lại quý vị tài cao đức trọng khác.

-Vậy theo đại sư, để quảng bá võ Việt ra thế giới thì cần những yếu tố gì là quan trọng nhất? Đại sư có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm khi phát dương môn phái ra nhiều quốc gia trên thế giới?

Tất cả gói gọn trong ba chữ: Dũng – Trí – Nhân. Một là phải dũng cảm, thắng được những yếu hèn bản thân. Hai là phải có trí tuệ, biết cái sai cái đúng, cái thiện cái ác. Ba là nhân ái với mọi người và biết kính thầy trọng đạo.

Kính thầy trọng đạo mới là con đường dẫn tới sự hoàn thiện bản thân để xứng đáng trên vị trí hướng dẫn dạy dỗ tuổi trẻ tương lai.

dai su nam anh 3

 Chân dung người đứng đầu môn phái Vịnh Xuân Nam Anh.

- Để gây dựng môn phái như ngày nay, chắc hẳn đại sư cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn. Với đại sư thì điều gì là khó khăn nhất mà ông từng trải qua?

Hơn nửa thế kỷ qua trên cương vị cao quý một người thầy, tôi thực sự thấy nỗi khó khăn nhất trong sự nghiệp giáo dục đó là cuộc chiến với cái Tôi ích kỷ của từng cá nhân, từng đệ tử và đó là cuộc chiến sống còn của các vị thầy. Nếu không chiến thắng được thì chính đệ tử của mình sẽ trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất của môn phái.

Bạn hỏi tôi điều gì khó khăn nhất mà tôi phải trải qua trên con đường gây dựng môn phái sự nghiệp, thì với tôi, khi dạy học trò phải vượt thắng được cái Tôi bản thân. Người thầy cũng phải chiến thắng được bản thân nghĩa là ta phải luôn cảnh giác bị chính ta lừa. Câu chuyện thiền học Ông chủ, ông chủ coi chừng bị lừa rất tiêu biểu. Nếu bạn đọc qua thì bạn sẽ hiểu hơn.

- Hiện tại, đại sư có trực tiếp điều hành các hoạt động lớn trong môn phái hay đã giao lại cho các học trò?

Bây giờ có các Tổng đàn chủ chịu trách nhiệm nên thầy cũng rút lui về hưởng tuổi già. Tôi thích đi du lịch nhưng hay ở bên Pháp vì cũng có võ đường bên đó và gia đình.

Tôi cũng không bận tâm tới những tranh luận xung quanh môn phái. Bạn hiểu mà. Thị phi rồi tranh cãi tất cả chỉ vì háo danh và quyền lợi. Cái đó là chuyện của mấy chục năm trước rồi. Tôi bây giờ như mây bay gió thoảng, tất cả đều thuận duyên nghiệp và không có gì để cầu để mong. Vô hữu sở cầu, vô hữu sở đắc, vô hữu sở phá vậy đó".

- Xin cảm ơn đại sư vì buổi trò chuyện này!

(Nguồn: Soha)
Bình luận
vtcnews.vn