Trong một cuộc phỏng vấn tại New York, đại sứ Kyaw Moe Tun gửi lời cảm ơn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì đã đưa ra tuyên bố lên án hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình của quân đội Myanmar.
Đồng thời, ông cũng cam kết sẽ phản đối chế độ quân sự đến cùng: “Ngay từ đầu, tôi đã quyết định sẽ phản đối chế độ quân sự chừng nào còn có thể, cho đến khi cuộc đảo chính quân sự kết thúc… Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó với tư cách là đại diện thường trực của Myanmar tại New York”.
Tuy nhiên, ông cho biết nội dung tuyên bố của Liên hợp quốc chưa đáp ứng được kỳ vọng của những người ủng hộ chế độ dân chủ của nước này.
“Chúng tôi thực sự mong muốn có tuyên bố cùng hành động mạnh mẽ hơn từ Hội đồng Bảo an. Đó là điều người dân Myanmar mong muốn. Chúng tôi cần sự bảo vệ từ cộng đồng quốc tế”, ông Moe Tun nói.
Theo ông Moe Tun, nếu hội đồng Bảo an không đưa ra nghị quyết dứt khoát hơn về vấn đề Myanmar, giải pháp thay thế là thành lập một liên minh các quốc gia có chung quan điểm để cắt giảm dòng tài chính của quân đội nước này.
“Cần phải có những công cụ khác để tạo áp lực lên chế độ quân sự, nhằm trả lại quyền lực Nhà nước cho người dân Myanmar”, ông cho biết.
Đầu tuần này, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt với hai người con của nhà lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và sáu công ty do họ kiểm soát.
Anh, Liên minh châu Âu và Canada cũng nằm trong số các bên đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar cùng các đồng minh.
Phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ vẫn tiếp diễn trên khắp Myanmar, trong khi biện pháp đàn áp của các lực lượng an ninh nước này ngày càng mạnh tay. Theo Liên hợp quốc, kể từ ngày 2/1 có ít nhất 70 người chết ở Myanmar liên quan đến các cuộc biểu tình.
Bình luận