"Thời gian thực sự quan trọng đối với người dân Myanmar. Chúng ta cần cứu sống những thường dân vô tội. Vì vậy chúng tôi tiếp tục yêu cầu, kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp mạnh nhất có thể để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ người dân Myanmar", ông Moe Tun nói trong cuộc trao đổi với Nikkei hôm 1/4 về cuộc khủng hoảng tại quê nhà.
Hồi cuối tháng 2, ông Moe Tun gây chấn động với bài phát biểu kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc (LHQ) “làm mọi cách cần thiết để khôi phục nền dân chủ” ở đất nước mình". Ông bị chính quyền quân sự cáo buộc tội phản quốc và bổ sung người khác thay thế. Tuy nhiên, người phát ngôn của LHQ cho biết ông Moe Tun sẽ vẫn là Trưởng phái đoàn đại diện Myanmar tại tổ chức này.
Myanmar đang chìm trong khủng hoảng kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2. Hành động mạnh tay của quân đội nhắm vào đám đông biểu tình dẫn tới các đợt chỉ trích và trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Tại cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Moe Tun tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp sự bảo vệ cho người dân Myanmar.
Các biện pháp bảo vệ này bao gồm viện trợ nhân đạo, thiết lập vùng cấm bay trong nước, cắt nguồn tài chính cho chính quyền quân sự và đình chỉ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây đều là những yêu cầu được ông Moe Tun đưa ra trong bức thư gửi Tổng thư ký LHQ hôm 29/3.
Về lo ngại của một số quan sát viên quốc tế rằng các lệnh trừng phạt kinh tế trên diện rộng có thể làm tổn hại đến phúc lợi của người dân Myanmar, nhà ngoại giao chỉ ra tính cấp bách và nghiêm trọng của tình hình trong nước.
“Hiệu ứng lan tỏa chắc chắn sẽ có, vì vậy yêu cầu mà chúng tôi đưa ra giữ tác động ở mức tối thiểu. Nhưng đồng thời, hãy nhìn vào tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt", ông nói.
Vị đại sứ Myanmar cho rằng lựa chọn hiện nay là giữa tác động kinh tế và mạng sống của người dân.
"Tác động với nền kinh tế có thể được giải quyết ở giai đoạn sau", ông cho hay.
Trong bối cảnh biểu tình lan rộng, nền kinh tế Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhà ngoại giao cũng nhấn mạnh vai trò của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng. Ông hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt, bao gồm động thái đình chỉ thương mại với Myanmar mới đây.
"Bất cứ hành động nào của Washington cũng sẽ là tấm gương vững chắc cho các quốc gia khác noi theo", ông cho hay.
Về phía Trung Quốc, vị đại sứ chỉ ra rằng nhiều người dân Myanmar vẫn tâm niệm Trung Quốc đứng về phía chế độ quân sự.
"Vì vậy, tôi cho rằng bây giờ là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc thể hiện họ đứng về với người dân, không phải quân đội. Để làm điều này, Bắc Kinh có thể lên án cuộc đảo chính quân sự và bạo lực do quân đội gây ra, từ chối công nhận chính quyề quân sự và ngừng quan hệ với chế độ quân sự về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao", ông nói.
Đánh giá cao vai trò của ASEAN, ông Moe Tun bày tỏ hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể tham gia vào nỗ lực chung với sự hỗ trợ của các nước trong hiệp hội để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mynamar bất chấp căng thẳng giữa hai nước.
Kết thúc bài phỏng vấn, vị đại sứ giơ ba ngón tay - cử chỉ có nguồn gốc từ loạt phim Hunger Games với ý nghĩa biểu tượng cho sự phản kháng, chống độc tài và kêu gọi đoàn kết.
Bình luận