"Cá nhân tôi đã làm việc về Chương trình Hòa bình này trong gần 20 năm, cả khi tôi ở Việt Nam công tác từ năm 2004-2007, và vì vậy đối với tôi đây là một ngày rất đặc biệt", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu chào mừng 10 tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình (Peace Corps) đến Việt Nam, trong sự kiện hôm 2/11.
Tại sự kiện, Đại sứ Knapper đã đánh tiếng cồng chúc mừng. Nghi thức được truyền cảm hứng từ văn hóa của người Việt Nam, được thực hiện với ý nghĩa chào mừng các thành viên mới đến một gia đình, gửi lời chúc mừng đến các tình nguyện viên và cầu chúc những điều tốt đẹp cho hành trình sắp tới của họ.
Trọng tâm của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam là giảng dạy Tiếng Anh, theo một Hiệp định thực thi được ký kết vào năm 2020 giữa chính phủ hai nước. Trong đó, cơ quan thực thi sẽ là Chương trình Hòa Bình và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
10 tình nguyện viên đầu tiên của chương trình đến Hà Nội hôm 27/10. Tới đây, họ sẽ trải qua quá trình đào tạo kéo dài khoảng hai tháng về ngôn ngữ cũng như văn hóa địa phương, cùng các kỹ năng cần thiết trong công tác giảng dạy hiệu quả phù hợp với hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Sau quá trình tập huấn, các tình nguyện viên sẽ làm việc tại các trường trung học phổ thông tại các quận huyện Hà Nội từ đầu tháng 1/2023, giảng dạy tiếng Anh cùng giáo viên tiếng Anh tại địa phương, cũng như tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng.
Quá trình hình thành và xây dựng để Chương trình Hòa bình được triển khai tại Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2004. Trải qua các quá trình đánh giá và đàm phán, các bên đi đến thỏa thuận về khung hoạt động được ký kết năm 2016, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Obama tới Việt Nam. Tiếp theo, thỏa thuận triển khai đặt ra kế hoạch hoạt động cho chương trình được ký kết làm hai lần vào năm 2020, trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch COVID-19. Đến tháng 12/2020, đội ngũ triển khai chương trình tập hợp tại Việt Nam và chương trình bắt đầu tuyển chọn đoàn tình nguyện viên đầu tiên vào tháng 5/2021.
Bình luận