Đại sứ Canada nêu 4 tiêu chí phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Thời sự quốc tếThứ Tư, 08/12/2021 10:06:00 +07:00
(VTC News) -

Đại sứ Canada nêu ra 4 tiêu chí để tăng cường phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đại dịch COVID-19 đưa đến bức tranh về sức đề kháng của các mô hình kinh tế nông nghiệp trước những biến động mạnh mẽ của môi trường khách quan. Điểm đặc biệt là mô hình kinh tế tập thể đã có sự chuyển mình đáng ngạc nhiên trong giai đoạn khó khăn và sẵn sàng cho những thử thách mới hậu đại dịch. Việt Nam cần nhìn nhận vai trò của kinh tế tập thể trong cơ cấu kinh tế, từ đó có định hướng phù hợp để giúp đảm bảo sự phát triển bền vững cho các hợp tác xã nông nghiệp, đưa mô hình kinh tế này chiếm số lớn trong cơ cấu toàn nền kinh tế.

Đại sứ Canada nêu 4 tiêu chí phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam - 1

Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Anne Paul trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News. (Ảnh: Đăng Khoa)

Canada là đất nước có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển bền vững mô hình hợp tác xã nông nghiệp thông qua các cơ chế hợp tác, hỗ trợ giai đoạn những năm 2000 tới nay. Thông qua nhiều mô hình, như mô hình phát triển bền vững Socodevi – được triển khai từ năm 2003 – đã đưa một số hợp tác xã nhỏ trở thành mô hình tiên tiến. Liên quan tới vấn đề này, Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Anne Paul có cuộc trao đổi ngắn với VTC News. 

- Xin bà chia sẻ về sự hỗ trợ của Canada đối với sự phát triển hợp tác ở Việt Nam? Trong tương lai, Canada sẽ hỗ trợ như thế nào đối với sự phát triển nông nghiệp và các hợp tác xã ở Việt Nam, thưa bà?

Canada và Việt Nam duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài đối với sự phát triển của các hợp tác xã ở Việt Nam. Gần 19 năm trước, chúng tôi bắt đầu với dự án do chính phủ Canada tài trợ là dự án cải thiện sinh kế nông thôn. Dự án này giúp thành lập HTX Evergrowth. Có thể nói HTX Evergrowth thực sự có tác động đáng kể đến sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Sóc Trăng.

Đại sứ Canada nêu 4 tiêu chí phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam - 2

Đại sứ Deborah Anne Paul thăm một hợp tác xã chăn nuôi bò tại tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Đại sứ quán Canada)

Từ năm 2015, dựa trên thành công của dự án trước đó, cũng như thể theo đề nghị từ Chính phủ Việt Nam, Canada đã hỗ trợ dự án mang tên VCED -  Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam. Điều đó giúp giới thiệu các mô hình doanh nghiệp của Canada tới 5 tỉnh thành khác nhau ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng giúp các hợp tác xã ở Việt Nam phát triển thông qua hỗ trợ kỹ thuật để sửa đổi luật hợp tác xã. Luật này đã được thực thi 10 năm qua và bây giờ là lúc để đánh giá và xem xét nó.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Canada. Chúng ta đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác toàn diện từ năm 2017. Vì vậy, chúng tôi mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam, bao gồm thông qua hỗ trợ phát triển.

Chúng tôi luôn cố gắng kết hợp chuyên môn của Canada với các ưu tiên của Việt Nam. Và điều đó cũng bao gồm phát triển nông nghiệp và hợp tác xã, đặc biệt là cố gắng cải thiện sinh kế của nông dân nghèo và các nông dân là phụ nữ. 

- Canada là một trong những quốc gia phát triển thành công mô hình hợp tác xã. Bà nghĩ gì về vai trò của hợp tác xã và tiềm năng phát triển của hợp tác xã ở Việt Nam?

Phong trào hợp tác xã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Canada. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng xác định hợp tác xã là nhân tố quan trọng trong năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. Theo tôi biết thì hiện tại, kinh tế tập thể và hợp tác xã chiếm khoảng 3,7% GDP và Việt Nam. Trên thực tế, con số 3,7% GDP chưa thể phản ánh đầy đủ các giá trị mà hợp tác xã mang lại cho các cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ và dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Còn rất nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực này.

Tôi nghĩ rằng cách chúng tôi kết nối với nông dân thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và đảm bảo sinh kế của họ trong thời kỳ đại dịch là minh chứng rõ nét cho thành công của các hợp tác xã do Canada hỗ trợ. Tôi cũng tin tưởng, thông qua hợp tác phát triển, chúng ta đã có thể đáp ứng hoặc ít nhất là tiến tới một số mục tiêu chung mà cả Việt Nam và Canada hướng tới, bao gồm tăng trưởng kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và trao quyền cho phụ nữ.

- Theo bà, cần làm gì để tăng cường phát triển hợp tác xã ở Việt Nam trong thời gian tới?

Các hợp xác đã có những đóng góp đáng kể cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế toàn diện. Như tôi đã đề cập ở trên, còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Theo quan điểm của tôi, ASAP là chìa khóa giúp phát triển hơn nữa hợp tác xã. ASAP trong tiếng Anh có nghĩa là càng sớm càng tốt. Nhưng ASAP mà tôi đang nói ở đây là A đại diện cho nhận thức, hỗ trợ (awareness, assistance), S đại diện cho chiến lược (strategy) và P đại diện cho con người (people). 

Video: Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Anne Paul chia sẻ về tăng cường phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

Với nhận thức, chúng ta cần thêm các chương trình tuyên truyền và đào tạo, đẩy mạnh các mô hình thí điểm để nhân rộng chúng. 

Về chiến lược, cần nhìn lại việc sửa đổi luật hợp tác xã. Đây là cơ hội để Chính phủ Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã. 

Về hỗ trợ, rất nhiều hợp tác xã hiện có ở Việt Nam có quy mô nhỏ hoặc đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Vì vậy, họ thực sự cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế và quản lý thể chế. 

Về con người, sự phát triển hợp tác xã bền vững đòi hỏi sự chuyển giao quyền lãnh đạo từ thế hệ cũ sang thế hệ trẻ và thế hệ trẻ cần được nâng cao năng lực.

Đó là tất cả những điều mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau để thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã ở Việt Nam.

- Evergrowth là một mô hình hợp tác xã thành công ở Việt Nam. Canada đã hỗ trợ Evergrowth kể từ khi thành lập năm 2003. Xin bà chia sẻ suy nghĩ của mình về sự hỗ trợ của Canada đối với hợp tác xã này?

Canada luôn hỗ trợ Evergrowth kể từ khi thành lập. Vào năm 2003, chúng tôi bắt đầu dự án cải thiện sinh kế nông thôn với việc hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Điều đó cho phép họ chăn nuôi gia súc, mở rộng quy mô sản xuất và cũng như tiếp cận thị trường. Sau đó, chúng tôi bắt đầu triển khai Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam (VCED). Thông qua đó, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, thúc đẩy bình đẳng giới và các thực hành về môi trường nông nghiệp, quản lý nước và chất thải.

Như các bạn đã thấy thì Evergrowth đã thực sự chuyển mình. Họ bắt đầu với quy mô rất nhỏ chỉ với 171 thành viên và giờ thì con số này lên tới khoảng 1.900 thành viên. Đó là một sự phát triển đáng kể. Điều chúng tôi tự hào là 44% thành viên của Evergrowth là phụ nữ. Evergrowth hiện duy trì hoạt động kinh doanh sữa và điều này mang lại lợi ích cho các cộng đồng dân tộc thiểu số và các nông dân là phụ nữ.

Các dự án của Canada được dẫn dắt bởi chính sách hỗ trợ quốc tế về nữ quyền của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng việc khai phá tiềm năng của phụ nữ là chìa khóa để giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng sự thành công của Evergrowth là một ví dụ tuyệt vời về cách chúng tôi có thể đạt được nhiều mục tiêu như vậy.

- Xin cảm ơn bà!

Song Hy - Đăng Khoa
Bình luận
vtcnews.vn