"Việc dự kiến mở thêm ngành Công tác xã hội và Kỹ thuật hình ảnh y học dựa trên nhu cầu tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh. Thu nhập của 2 ngành này khá hấp dẫn", PGS.TS Lê Đình Tùng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội thông tin.
Theo PGS Tùng, trước đây trường tập trung đào tạo bác sĩ và trình độ sau đại học. Việc mở thêm 2 ngành đào tạo mới tại cơ sở chính Hà Nội được coi là sự khác biệt lớn. Hai ngành này đều phù hợp với cơ sở hạ tầng và khả năng đào tạo của nhà trường.
Cũng theo ông Tùng, năm 2025, trường Đại học Y Hà Nội cơ bản ổn định các phương thức tuyển sinh so với năm trước, gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và trường Đại học Y Hà Nội; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA).
Vị này cho biết thêm, có khả năng nhà trường phải điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển nếu dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh đại học chính thức được ban hành. "Vì theo dự thảo mới, các cơ sở đào tạo sẽ phải quy đổi tương đương về một thang điểm chung giữa các tổ hợp, phương thức xét tuyển", ông Tùng lý giải.
Năm ngoái, trường Đại học Y Hà Nội mở mới ba ngành, gồm: Tâm lý học, Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng. Đây cũng là lần đầu tiên trường dùng tổ hợp khối C00 (Văn, Sử, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển vào một số ngành, bên cạnh tổ hợp truyền thống là B00 (Toán, Hoá, Sinh).
Điểm chuẩn trường Đại học Y Hà Nội năm 2024 xét theo điểm thi tốt nghiệp dao động từ 19-28,83 điểm. Cao nhất là ngành Tâm lý học ở khối C00.
Nếu chỉ tính tổ hợp truyền thống B00, ngành Y khoa dẫn đầu với 28,27 điểm. Mức thấp nhất là 19 điểm áp dụng với ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng tại phân hiệu Thanh Hóa.
Bình luận