Dưới đây là mức học phí của 17 ngành đào tạo tại trường Đại học Y Hà Nội năm 2024:
Năm nay, trường Đại học Y Hà Nội áp dụng mức học phí cao nhất với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Y khoa (phân hiệu Thanh Hóa) - 55,2 triệu đồng/năm học.
So với năm ngoái, 2 ngành là Răng - Hàm - Mặt và Y khoa (phân hiệu Thanh Hóa) tăng học phí từ 27,6 triệu đồng lên 55,2 triệu đồng do chuyển từ danh mục đơn vị nhóm 3 lên thành tự chủ nhóm 2 tự đảm bảo chi thường xuyên.
Xếp ở vị trí thấp nhất là ngành Tâm lý học (đây là ngành năm nay mới được đưa vào đào tạo) với 15 triệu đồng/năm học.
Bên cạnh việc đóng học phí, sinh viên còn được hưởng các chính sách học bổng của trường. Trường Đại học Y Hà Nội dành 8% học phí hệ đào tạo đại học chính quy để cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có kết quả học tập tốt.
Nhà trường dành tối đa 2% học phí hệ đào tạo đại học chính quy để cấp học bổng mang tên “Tôi yêu Đại học Y Hà Nội” để hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gồm các đối tượng sau:
- Sinh viên không có khả năng trang trải học phí và sinh hoạt: Trường dành 5 suất miễn 100% học phí, tiền ở ký túc xá, và hỗ trợ 20 triệu/năm học.
- Sinh viên thuộc nhóm miễn giảm học phí theo Nghị định của Chính phủ: Trường giảm từ 50% - 100% học phí theo quy định.
- Sinh viên trong quá trình học tập nếu gặp phải các vấn đề như: Bệnh hiểm nghèo, tai nạn nhập viện đột xuất, gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tử vong và các trường hợp đặc biệt khác được xem xét hỗ trợ tùy từng hoàn cảnh.
Ngoài ra, trường có các quỹ học bổng từ các cựu sinh viên, tổ chức, cá nhân tài trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích cao trong học tập, mức học bổng có thểthay đổi theo từng năm học.
- Học bổng Global Care: 10 triệu đồng/sinh viên
- Học bổng Dạ Hương: 5 triệu đồng/sinh viên
- Học bổng Đồng Hành: 5 triệu đồng/sinh viên
- Học bổng Kumho Aseana: 5 triệu đồng/sinh viên
- Học bổng Homtamin: 4 triệu đồng/sinh viên
- Học bổng Merro: 120.000 Yên Nhật/sinh viên
Bên cạnh đó, trường còn miễn phí ở ký túc xá trong suốt quá trình học tập cho 10 sinh viên năm thứ nhất nhập học có hoàn cảnh gia đình khó khăn và có hỗ trợ sinh viên vay vốn ngân hàng.
Năm nay trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh tổng 1.720 chỉ tiêu (tăng 350 chỉ tiêu). Trường mở thêm 3 ngành, gồm: Tâm lý học, Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng.
Trường dùng 4 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA). Đây là lần đầu tiên trường Đại học Y Hà Nội công nhận kết quả từ một kỳ thi riêng.
Ngoài ra, từ chỗ chỉ tuyển sinh tuyển bằng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) trong hàng chục năm qua, năm nay Đại học Y Hà Nội dùng cả tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) và C00 (Văn, Sử, Địa). Trong đó, tổ hợp D01 áp dụng với ngành Y tế công cộng và Tâm lý học; C00 ngành Tâm lý học.
Bình luận