Thời gian không đến trường, sinh viên không tụ tập nơi đông người, giữ vệ sinh cá nhân, giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m khi tiếp xúc người khác và ghi nhật ký đi lại, gặp gỡ trong 14 ngày gần nhất.
Trường đề nghị sinh viên không được tự ý rời Đà Nẵng để về quê, khuyến cáo cài đặt ứng dụng BlueZone và Ncovi để góp phần phát hiện, truy vết trường hợp nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trường hợp nghi ngờ bản thân có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm, sinh viên cần liên hệ với đường dây nóng để được hướng dẫn và hỗ trợ, không tự ý đi mua thuốc.
Đại học Đà Nẵng yêu cầu 9 trường, khoa thành viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tạm dừng tất cả hoạt động có tập trung đông người, sự kiện lớn chưa cần thiết. Chiến dịch mùa hè xanh 2020 sẽ phải tạm dừng.
Về kế hoạch giảng dạy, Đại học Đà Nẵng yêu cầu các trường, khoa thành viên phải giảm, giãn số sinh viên các phòng học, vệ sinh, khử trùng lớp học, khu làm việc, triển khai giải pháp trực tuyến để giảm tập trung đông người. Trường cũng yêu cầu tất cả cán bộ viên chức, sinh viên, đặc biệt là những người thuộc diện tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 phải khai báo trung thực với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn.
Đối với lưu học sinh Lào và Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam, Đại học Đà Nẵng đề nghị các đơn vị bố trí bộ phận tiếp đón, kiểm tra giấy tờ xác nhận đã hoàn thành việc cách ly tập trung.
Đại học Bách khoa, trường thành viên của Đại học Đà Nẵng thông báo sinh viên đến trường phải mang khẩu trang, đảm bảo cách nhau ít nhất một mét. Các lớp học phần thực hành, thí nghiệm, thực tập tại trường vẫn học và thi theo thời khóa biểu. Một số lớp học phần lý thuyết sẽ chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến trên hệ thống DUT-LMS và MS Teams. Một số lớp vẫn duy trì phương thức truyền thống nhưng sẽ đổi sang phòng học rộng hơn.
Không chỉ ở Đà Nẵng, tại Hà Nội, nhiều trường cũng yêu cầu cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh thực hiện biện pháp phòng dịch.
Ngày 26/7, Đại học Kinh tế quốc dân yêu cầu người đi về từ Đà Nẵng hoặc có tiếp xúc với người bệnh, người nghi nhiễm trong 14 ngày qua phải khai báo với cơ sở y tế hoặc y tế trường để lấy máu xét nghiệm COVID-19, đồng thời tự cách ly ở nhà, không đến trường. Những người có dự định đi du lịch nên hạn chế, tạm dừng tới các địa danh có nguy cơ.
Ngoài ra, giảng viên, sinh viên có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và lấy máu xét nghiệm. Mọi người tăng cường đeo khẩu trang, rửa tay, giữ vệ sinh môi trường công cộng cũng như chủ động theo dõi thông tin, diễn biến dịch để có phương án phòng chống, ngăn chặn kịp thời.
Cùng ngày, Đại học Thủy lợi đề nghị tất cả sinh viên đến thành phố Đà Nẵng và trở về Hà Nội trong ba ngày 24-26/7 tạm thời nghỉ tại nhà, không đến trường và chờ thông báo tiếp theo. Các em phải gửi email về phòng Chính trị và Công tác sinh viên của trường thông báo họ tên, lớp, thời gian trở về Hà Nội từ Đà Nẵng và tình trạng sức khỏe hiện tại.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng yêu cầu người có đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm mới trong 14 ngày qua phải báo cáo. Trường đăng tải thông tin đường dây nóng của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng quận Hai Bà Trưng, phòng khám đa khoa... để cán bộ, sinh viên có triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc bệnh liên hệ.
Sáng 27/7, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cũng gửi thông báo đến toàn bộ giảng viên và sinh toàn trường, yêu cầu dừng di chuyển đến Đà Nẵng với mục đích tham gian, du lịch, thăm người thân, công tác và những công việc không thực sự cần thiết khác.
Những người đã đến Đà Nẵng và trở về địa phương từ 18/7 trở lại đây phải khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà; khi có triệu chứng bất thường như ho, sốt, khó thở... cần đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm.
Tại Đại học Vinh (Nghệ An), Hiệu trưởng Trần Bá Tiến yêu cầu các đơn vị lập danh sách cán bộ, học sinh, sinh viên đến Đà Nẵng từ ngày 12 đến 26/7, tự cách ly theo quy định và khai báo y tế theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, ban chỉ đạo các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên, tuyển sinh sau đại học triển khai biện pháp bảo vệ sức khỏe cho giám thị, giáo viên và thí sinh.
Trước mỗi giờ học, giảng viên cần dành thời gian để sinh viên khai báo việc đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc, có liên quan với người đi về từ vùng dịch. Hiệu trưởng cũng khuyến cáo các đơn vị hạn chế tổ chức tham quan, du lịch thời điểm này và phải báo cáo trước khi cử cán bộ đi công tác tại vùng dịch.
Sau 99 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, ngày 25/7 Việt Nam xuất hiện ca bệnh tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Đến hôm nay, Đà Nẵng có 3 bệnh nhân, Quảng Ngãi 1.
Bình luận