Các trường phải chịu trách nhiệm với xã hội
Vừa qua, một số trường đại học công bố điểm sàn thấp từ 12 đến 14, nghĩa là một thí sinh chỉ cần đạt trung bình 4 điểm một môn là có thể đủ điều kiện xét tuyển vào trường.
Cụ thể, theo thông báo của Đại học Bạc Liêu, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ đại học chính quy phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT Quốc gia là 13 điểm. Riêng ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật là 12 điểm.
Tương tự, Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên cũng thông báo mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ ĐH chính quy năm 2019 theo phương thức xét điểm thi THPT Quốc gia là 13 điểm và 15 điểm theo phương thức xét học bạ cho tất cả các chuyên ngành.
Đại học Đồng Tháp tăng điểm nhận hồ sơ lên thành 14 điểm thay cho mức điểm sàn đã công bố là 13 điểm, hay Đại học Đà Nẵng phân hiệu tại tỉnh Kon Tum có điểm sàn năm 2019 theo kết quả thi THPT Quốc gia 2019 là 14 điểm, trước đó điểm sàn ban đầu là 12,5.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát chất lượng đầu vào của thí sinh.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), việc xác định tự chủ trong tuyển sinh ở các trường đại học đồng nghĩa với việc phải xác định điểm sàn. Và các trường này phải chịu trách nhiệm với xã hội khi các em tốt nghiệp, phải đảm bảo công ăn việc làm cho các em.
"Nguyên liệu đầu vào tốt cũng là điều kiện tốt để phát triển chất lượng sản phẩm đầu ra. Với đầu vào thấp, các trường phải có giải pháp nâng cao chất lượng của người học lên", ông Vinh khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng, khi một trường lấy điểm sàn thấp cần phải giải trình minh bạch về các mặt. "Cần xem xét điểm sàn thấp như vậy có phù hợp với chất lượng đào tạo không? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo lên? Ví dụ như tài chính cần đầu tư nhiều hơn, học phí cần thu tăng thêm không? Nhân viên, giảng viên có cần giảm đi không?
Ngày xưa, điểm sàn vẫn được coi là tiêu chí đánh giá chất lượng đầu vào. Nhưng quan điểm này đến nay đã thay đổi, người ta đánh giá cả chất lượng đầu vào và chất lượng đầu ra", ông Vinh nói.
Điểm sàn thấp nằm ở các địa phương, vùng phát triển thấp
"Đất nước có vùng phát triển cao, vùng phát triển thấp. Chính vì vậy nhà nước đã thiết kế đại học các khu vực, đại học vùng, đại học địa phương để có nguồn nhân lực tại chỗ. Điểm sàn ở các vùng này nếu lấy ngang bằng theo chuẩn quốc gia thì rất khó bởi các em ở đó sẽ không bao giờ vào được đại học.
Còn những em nào xác định có học lực khá hơn, giỏi hơn sẽ lên thành phố lớn để học. Đây là chính sách đảm bảo tính bình đẳng trong tiếp cận đại học", ông Vinh khẳng định.
Bên cạnh đó, trong Luật giáo dục đại học mới bổ sung đã công nhận văn bằng chính quy và văn bằng "vừa làm vừa học" là như nhau. Người ta có thể không cần điểm sàn mà học từ xa, rồi chuyển vào chính quy.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho biết, việc lấy điểm sàn thấp về nguyên tắc không sai. Theo điều 34 trong Luật giáo dục đại học quy định để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng sẽ tùy vào các trường, tùy vào cách tuyển sinh của mỗi trường xét tuyển, hay thi tuyển hay kết hợp cả hai hình thức này.
Ông Khuyến cũng cho rằng, những trường này họ chỉ cần thí sinh tốt nghiệp, có bằng THPT là đảm bảo điều kiện cần học lên các bậc học cao hơn. Còn điều kiện đủ lại phụ thuộc vào điểm sàn lấy vào trường đó. Những trường đẳng cấp thấp, thường lấy điểm thấp; những trường có thương hiệu, chất lượng tốt, đẳng cấp cao, hay những ngành hot, ngành khó trường có thể lấy điểm đầu vào cao, còn các ngành khác có thể lấy điểm thấp
"Còn đối với một số trường top, nếu đột nhiên hạ thấp điểm sàn đồng nghĩa với việc tự hạ thấp danh tiếng của mình. bên cạnh đó, việc này cũng sẽ khiến thí sinh ảo tưởng, nghĩ rằng điểm của mình có thể đỗ vào trường đẳng cấp. Nếu đột nhiên hạ điểm sàn thấp là có lỗi với người học. Vì thế, nên các trường cần phải có tính toán, có căn cứ để đảm bảo an toàn, tuyển được tối đa lượng thí sinh", ông Khuyến nói.
Ông cũng cho biết, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng nhiều đời Bộ trưởng đều kiến nghị nhà nước quy định điểm sàn, đơn vị, loại trường và các loại đẳng cấp của từng trường
"Ví dụ như hệ thống Đại học California của Mỹ, họ chia các trường đại học công lập thành 3 nhóm: nhóm đầu là những trường đẳng cấp rất cao, có 10 trường thì chỉ được tuyển 1/8 thí sinh tốt nghiệp đạt kết quả cao nhất; 23 trường thuộc hệ thống đại học bang California, chính quyền yêu cầu được tuyển 1/3 số thí sinh tiếp theo; còn lại, không quy định top nào. Việc này, để không gây lẫn lộn, phức tạp trong quá trình thí sinh đăng ký vào các trường học", ông Khuyến nêu ví dụ.
Ông Khuyến khẳng định, vì không có quy định chuẩn tối đa về chất lượng, để đảm bảo vượt qua chuẩn tối thiểu về chất lượng, các trường càng đẳng cấp để đảm bảo thương hiệu của mình nên phải đặt ra những chuẩn về chất lượng cao hơn nhiều so với các trường mới thành lập, hay các trường vùng sâu, vùng xa.
Trước đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học thừa nhận trong thực tế tự chủ, một số trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các trường cũng không được đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/8 theo phương thức trực tuyến. Các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 dự kiến trước 17h ngày 9/8. Việc một số trường công bố điểm trúng tuyển đại học bằng kết quả thi THPT Quốc gia trước ngày 8/8 là vi phạm quy chế tuyển sinh. Vụ giáo dục đại học đang yêu cầu các trường này báo cáo cụ thể, sau đó sẽ có hướng xử lý.
Bình luận