Trang 70 giáo trình Nói 6 (Developing Chinese) dùng cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của ĐH Công nghiệp Hà Nội có in bản đồ “đường lưỡi bò”. Cạnh đó, phần khung chú thích in phóng to “đường lưỡi bò” cùng các từ tiếng Trung “Tây Sa”, “Nam Sa” (tên Trung Quốc dùng để gọi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).
Sinh viên báo cho nhà trường
Đây là năm thứ 2 giáo trình này được giảng viên, sinh viên sử dụng để dạy và học hằng ngày. Năm nay, trong quá trình học, sinh viên phát hiện ra và báo với nhà trường.
Bà Bùi Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết, 101 sinh viên đang theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc; cuốn giáo trình chỉ được dùng trong trường. Nhà trường đã thu hồi giáo trình này, họp với các khoa ngôn ngữ, với các chủ nhiệm khoa để rà soát lại toàn bộ giáo trình.
“Nhà trường có quy trình thẩm định giáo trình trước khi đưa vào giảng dạy. Khi xây dựng đề cương chi tiết, căn cứ vào chuẩn đầu ra của sinh viên để xác định, nhà trường lựa chọn giáo trình phù hợp. Tuy nhiên, vẫn để xảy ra sơ suất. Đây là lỗi của nhà trường và nhà trường xin nhận trách nhiệm.
Ngoài ra, lãnh đạo trường yêu cầu chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ giải trình tất cả các bước trong thẩm định, rà soát giáo trình. Quan điểm của nhà trường là không bao che”, bà Ngân nói.
Đại diện Khoa Ngôn ngữ cho biết, theo quy trình của trường, giáo viên dạy bộ môn sẽ viết đề cương chi tiết, rồi lựa chọn giáo trình đưa lên bộ môn tiếng Trung lựa chọn, đưa lên Khoa Ngôn ngữ thẩm định. Ngoài ra, còn một bước nữa là các giáo viên rà soát, rồi ký vào biên bản. Tuy nhiên, vẫn còn sơ hở.
“Không chỉ riêng tiếng Trung, tất cả các môn ngoại ngữ thường sử dụng giáo trình nước ngoài vì hiện chưa có khả năng để viết. Tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo, giáo viên lựa chọn giáo trình phù hợp của nước ngoài. Cuốn giáo trình Nói 6 (Developing Chinese) cũng xuất phát từ giảng viên đi học mang về, rồi đưa ra bộ môn lựa chọn nội dung để dạy”, vị này nói.
Ngay trong ngày 17/3, giảng viên bộ môn tìm tài liệu khác phù hợp để tiếp nối tuần học cho sinh viên, đảm bảo chuẩn đầu ra của môn học.
Cần biện pháp căn cơ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng, trước mắt, phải hủy bỏ ngay tài liệu in “đường lưỡi bò” và kiểm điểm trách nhiệm, đưa ra hình thức xử lý kỷ luật những người đã quyết định lấy giáo trình từ nước ngoài về. Ngoài ra, trường phải làm rõ khâu kiểm tra, thẩm định, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, xử lý khoa, bộ môn.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nói rằng, muốn sinh viên sử dụng giáo trình, phải thông qua hội đồng thẩm định nghiêm túc. Nhà trường tự chủ, có hội đồng thẩm định và giáo trình được thông qua thì thủ trưởng đơn vị, hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm.
“Việc thẩm định sách giáo trình là việc rất thận trọng, không thể lấy những sản phẩm trôi nổi để đưa về sử dụng. Trên thế giới, các trường đại học tự chủ có quyền viết và xuất bản các giáo trình. Ở nước ta, các trường muốn xuất bản nội bộ thì phải kiểm soát rất chặt chẽ. Theo tôi, nên thông qua hệ thống các nhà xuất bản vì ở đó họ có đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp”, ông Thuyết nói.
Tháng 11/2019, báo Tiền Phong thông tin, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình in hình “đường lưỡi bò” trong một thời gian dài. Giáo trình Đọc sơ cấp 1 và cuốn Nghe sơ cấp in bản đồ “đường lưỡi bò”. Ngoài ra, cuốn “Tổng quan về Trung Quốc” (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2018) ghi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa. Khi phát hiện, lãnh đạo nhà trường cho thu hồi và hủy bỏ toàn bộ giáo trình này. Nhà trường cũng cảnh cáo Ban chủ nhiệm Khoa tiếng Trung-Nhật, Ban giám đốc Trung tâm Dịch vụ A và các cá nhân liên quan.
Bình luận