Báo cáo thường niên năm 2016 của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã CK: VOS) cho thấy, hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp này tiếp tục chìm trong vòng xoáy thua lỗ.
Cụ thể, tổng doanh thu trong năm qua giảm gần 23% so với năm trước, đạt 1.316 tỷ đồng và là mức thấp kỷ lục từ khi doanh nghiệp này chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cách đây 10 năm. Lợi nhuận sau thuế lần lượt âm 359 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn của công ty đạt 4.238 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 3.609 tỷ (nợ dài hạn chiếm gần 2.900 tỷ đồng).
Chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá các khoản vay trong năm qua ước tính gần 180 tỷ, góp phần khiến khoản lợi nhuận kinh doanh bị ăn mòn nghiêm trọng.
Theo lý giải của ban lãnh đạo Vosco, tuy thực hiện nhiều chính sách để cải thiện doanh thu nhưng do biến động tỷ giá đồng đôla Mỹ và giá nhiên liệu sau thời gian duy trì ở mức thấp đã tăng mạnh trở lại cũng tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh.
Dù sở hữu đội tàu quy mô và chiếm thị phần tương đối lớn của ngành vận tải biển, nhưng Vosco cũng không tránh khỏi tình trạng đang xảy ra ở nhiều công ty cùng ngành là hàng hoá khan hiếm, tạo sự cạnh tranh gay gắt khiến cước vận tải giảm bình quân từ 30% đến 50% một chuyến.
Hiệu suất chuyến cũng giảm do mật độ vận chuyển quá đông, gấp nhiều lần khả năng giải phóng của các cảng nên thời gian chờ bốc dỡ hàng hóa bị kéo dài.
Trước tình trạng thua lỗ triền miên, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi cuối tháng 4, công ty thống nhất đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh giảm nhẹ so với thực hiện năm trước.
Điển hình như việc cắt giảm sản lượng vận chuyển xuống còn 5,3 triệu tấn và doanh thu ước tính xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Về khoản lợi nhuận sau thuế, đây là năm thứ ba liên tiếp công ty không đặt mục tiêu cụ thể mà cho biết sẽ cố gắng giảm lỗ tối đa.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh giai đoạn đầu năm 2017 vừa được công bố thì có thể mục tiêu “khiêm tốn” này cũng khó hoàn thành. Theo đó, lỗ sau thuế trong quý I đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên gần 84 tỷ đồng và nâng lỗ luỹ kế lên 884 tỷ đồng.
Trong năm nay, Vosco sẽ thực hiện lộ trình tái cơ cấu đội tàu theo hướng cân nhắc khả năng đầu tư những tàu trẻ, có mức giá phù hợp với điều kiện tài chính hiện tại nhằm bù đắp tổng trọng tải liên tục sụt giảm trong những năm vừa qua.
Video: Bộ trưởng Đinh La Thăng - Hai dự án giao thông dư hơn... 14.000 tỷ đồng
Đồng thời, công ty dự kiến bán 2 tàu hàng khô do hiệu quả khai thác kém, cỡ tàu không đáp ứng nhu cầu thị trường và khó thu hồi được chi phí sửa chữa.
Quan trọng nhất là công ty đang triển khai phương án tái cơ cấu tình hình tài chính lần thứ hai thông qua việc thanh lý tài sản để cắt lỗ tuỳ theo từng dự án cụ thể, đàm phán với ngân hàng để điều chỉnh nghĩa vụ và thời gian trả nợ phù hợp, đồng thời tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để thoái vốn 8,75 triệu cổ phần tại Maritime Bank.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, hiện Vosco đã tạm dừng thanh toán nợ gốc đến hạn đối với khoản vay đóng tàu mới trị giá hơn 840 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trước đó, với sự hỗ trợ của Vinalines và Bộ Giao thông Vận tải, công ty đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để được xóa lãi, giãn trả nợ gốc các khoản vay đóng tàu mới. Ước tính số tiền lãi phải trả đã được hạch toán miễn giảm, tăng thu trong năm qua khoảng 200 tỷ đồng.
Nếu công tác tái cơ cấu tình hình tài chính lần thứ hai không thu về kết quả như mong đợi, cổ phiếu của Vosco có thể nối gót hàng loạt doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu… bị huỷ niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam được thành lập từ năm 1970 với hàng loạt cái nhất trong ngành hàng hải. Ở thời kỳ huy hoàng của vận tải biển, công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu giới tàu biển tại Việt Nam.
Với đội tàu hùng mạnh, công ty nhanh chóng chinh phục các cung đường vận tải và là đơn vị đầu tiên chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ, Ấn Độ, Australia… Sau 37 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, công ty hoàn tất quá trình cổ phần hoá và đại diện Nhà nước là Vinalines nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Bình luận