Ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam sinh năm 1960 (Canh Tý), từng đi buôn xoài và có biệt danh “Minh xoài”.
Năm 1994, ông Minh thành lập Him Lam, doanh nghiệp tư nhân ngoài quốc doanh đầu tiên ở TP.HCM kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ông sở hữu tới 99% vốn của Him Lam.
Sau này, Tập đoàn Him Lam không chỉ đầu tư nhà để ở mà có hơn 20 công ty con, công ty liên kết đủ lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính ngân hàng, viễn thông, xây dựng đến sản xuất, thương mại dịch vụ, nhân lực, khai khoáng...
Sau đó, ông Minh kinh doanh sang lĩnh vực tài, chính ngân hàng với thương hiệu Liên Việt. Không chỉ nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank), ông Minh còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Liên Việt Holdings.
Dù từng là người đứng đầu LienvietPostBank nhưng ông Dương Công Minh không trực tiếp nắm giữ bất cứ cổ phần nào tại ngân hàng này.
Đầu tháng 6/2017, ông Dương Công Minh có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch, Thành viên HĐQT LienVietPostBank để tham gia tái cơ cấu Sacombank. Cuối tháng 6/2017, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Tại ngân hàng này, ông Dương Công Minh là cổ đông lớn thứ 4 chỉ sau ông Trầm Trọng Ngân, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn EXIM.
Hiện ông Minh nắm giữ 3,49% vốn Sacombank. Theo thị giá cổ phiếu STB trong ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 (22/1/2020), lượng cổ phần này mang về cho ông khối tài sản 682 tỷ đồng, đứng ở vị trí 88 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Số tiền này đủ cho ông trở thành đại gia ngân hàng tuổi Tý giàu nhất sàn chứng khoán.
Ngoài cổ phiếu STB, ông Dương Công Minh còn nắm giữ cổ phiếu của Liên Việt Holdings. Theo mệnh giá, lượng cổ phiếu đó tương đương 313 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tài sản lớn nhất của ông có thể không nằm trong ngành tài chính, mà ở bất động sản. Him Lam không phải công ty niêm yết nên thông tin về sở hữu của ông Minh không được công bố, nhưng nhiều khả năng đây là con số rất lớn.
Sau 2 năm ông Minh lãnh đạo, lợi nhuận của Sacombank được cải thiện. Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 3.217 tỷ đồng, vượt 21,4% so với kế hoạch cam kết.
Hoạt động tín dụng có nhiều cải thiện, đóng góp rất nhiều vào đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng tăng từ 253.100 tỷ đồng lên 292.059 tỷ đồng. Nhờ vậy, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của Sacombank tăng 4.181 tỷ đồng, tương đương 15,9%, lên 30.477 tỷ đồng.
Huy động vốn cũng có nhiều bước tiến khi chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tăng từ 349.389 tỷ đồng lên 400.844 tỷ đồng.
Trước khi ông Dương Công Minh gia nhập Sacombank, nợ xấu là vấn đề cấp bách của ngân hàng này. Còn hiện tại, nợ xấu tại Sacombank đang giảm mạnh.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nợ xấu là 5.733 tỷ đồng, chiếm 1,94 tổng dư nợ tín dụng. Con số này cuối năm 2018 là 5.646 tỷ đồng, tương đương 2,2%.
Bình luận