Một thay đổi được xem là tốt nhất từ trước tới nay sắp có hiệu lực. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nắm giữ nhiều tỷ USD sẵn sàng đổ vào.
Sôi sục thị trường trong nước
Trong 2 tuần qua, thị trường cổ phiếu phi tập trung (OTC) của Việt Nam bất ngờ dậy sóng với nhiều cổ phiếu tăng giá rất nhanh. Nhiều cổ phiếu ngân hàng từ mức thấp 4-5 ngàn đồng/cp hồi đầu năm đã bất ngờ tăng lên 8-9 ngàn đồng, thậm chí có mã lên tới 16.500 đồng/cp.
Trên thị trường, giới đầu tư chứng kiến nhiều cổ phiếu lên tới 9 -10x (90-100 ngàn đồng/cp) như Thaco của Ô tô Trường Hải, và 2-5x như SCSC, ACV, Vidipha, Thibidi, Bidiphar, Petrolimex, VTPO…
Nhiều cổ phiếu thậm chí còn được chào mua chào bán lên tới vài trăm ngàn cho tới 2-3 triệu đồng/cp như VNG, Vexere, Topica, Foody, MoMo, Tiki…
Trên TTCK tập trung, sự sôi động cũng không kém. Nhiều cổ phiếu tăng vù vù, liên tiếp lập đỉnh cao mới như Vinamilk (VNM), Thế giới di động (MWG), Vingroup (VIC)… Cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 ngàn đồng/cp và trở thành cổ phiếu thứ 2 trên sàn vào thời điểm hiện tại có được mức giá mơ ước này, bên cạnh CTD của Coteccons.
Chỉ số chứng khoán VN-Index của sàn TP.HCM (HOSE) tăng vọt lên sát ngưỡng 700 điểm và được dự báo có thể chinh phục được mốc này trong một thời gian ngắn sắp tới.
Cũng trên thị trường tự do, đang có một cuộc chạy đua vét cổ phiếu Bia Sài Gòn (Sabeco) trước khi cổ phiếu này lên sàn HOSE, có thể vào quý 1/2017. Chỉ trong vòng khoảng một tháng, cổ phiếu này đã tăng 30-35% vượt ngưỡng 110 ngàn đồng/cp. Cổ phiếu Rượu bia Hà Nội (Habeco) cũng hút các NĐT với mức giá 5-6x.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho biết, một quỹ 70 tỷ USD đang tính đổ một lượng tiền lớn vào TTCK Việt Nam. Họ đang nghiên cứu xem đổ khoảng 5% vào chứng khoán Việt Nam sau khi một loạt các quỹ ngoại khác đã gặt hái rất nhiều thành công tại đây và đang tiếp tục âm thầm mua gom các cổ phiếu blue-chips. Quỹ đầu tư mới đã gặp một số DN trọng điểm như VNM, REE, FPT và một số cổ phiếu sắp lên sàn như Sabeco…
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cho biết, dưới góc nhìn môi giới, ông đánh giá đây là thời điểm bước ngoặt đối với TTCK Việt Nam. Cái mà doanh nhân này nói tới chính là một số chính sách mới vừa được các cơ quản lý đưa ra, nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường.
“Thông tư 115/2016/TT-BTC được xem là động thái tốt nhất từ trước tới nay của Bộ Tài chính. Đó là một bước đột phá đưa chuẩn thị trường tiếp cận với khu vực và thế giới. Điểm cốt lõi của thông tư này là IPO xong là giao dịch luôn, không phải trải qua quá trình chờ đợi lâu dài như trước đó. Điều này làm tăng nhanh tăng khoản”, ông Tuấn đánh giá.
Cơ hội 10 năm có một
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã khẳng định, Thông tư 115 (có hiệu lực từ ngày 1/11) có điểm đáng chú ý là quy định gắn hoạt động đấu giá tại Sở GDCK đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần của DNNN sau cổ phần hóa. Theo đó, chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, NĐT mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCOM.
“Sẽ không có cửa cho sự chây ì, trì hoãn và thất hứa trong việc đưa DN lên sàn. Dù đây chỉ là một thay đổi mang tính kỹ thuật nhưng lại tạo ra hiệu ứng đột phá nhất từ trước tới nay đối với vấn đề CPH DNNN”, giám đốc khối kinh doanh của một CTCK nhận định.
Theo HNX, bước tiến mới của Thông tư 115 (so với Quyết định 51/2014/QĐ-TTg trước đó) là cơ chế tự động đăng ký giao dịch trên UPCoM. Quy định mới đã tăng cường tính thực thi pháp luật, nhờ đó tình trạng các DN chây ì, né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch sẽ được khắc phục mà không cần phải có các chế tài hoặc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thực thi khác.
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, thông tư mới sẽ tạo ra sự sôi động cho các thương vụ IPO sắp tới và hút tiền từ các NĐT chiến lược tốt hơn. Sự minh bạch cũng sẽ cao hơn.
Đánh giá chung về thị trường, chuyên gia này cho rằng, nhóm cổ phiếu trụ cột đang bão hòa cần thời gian tích lũy, nhóm penny khó duy trì được sóng dài. Tuy nhiên, khả năng nhóm ngân hàng sẽ là động lực vì hiệu ứng giảm lãi suất. Ngoài ra Vinamilk vẫn hút hàng và hàng loạt các cổ phiếu mới lên sàn trong thời gian tới sẽ khiến thị trường sôi động. HIện tại một số ông lớn ngoại đến từ các nước trong khu vực như Singapore đang âm thầm mua các cổ phiếu trụ cột ngành của Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, TTCK trong khoảng 3-5 năm tới sẽ được nhìn nhận đúng bản chất hơn, là kênh huy động vốn chi phí rẻ cho DN. Thị trường sẽ lớn mạnh và sôi động nhờ sự tham gia của các NĐT lớn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ tăng lên cao.
Các NĐT nước ngoài hiện đang nhắm tới nhiều DN lớn chưa niêm yết như: MoBiFone, Satra, Co-op, ACV, Sabeco, VietJetAir, VietnamAirlines… Hiện tại các NĐT Nhật cũng đang rất quan tâm tới cổ phiếu Việt, nhất là khi 2 sàn được sáp nhập và chỉ số chung bám sát thực tế hơn. Các quỹ và DN trong nước cũng đang chuẩn bị vốn để đón đầu làn sóng hàng chất lượng lên sàn.
Theo một số CTCK, TTCK Việt Nam cần đưa ra khoảng 40 công ty ở 10 ngành nghề. Các DN này có vốn hóa cao, làm ăn bài bản. Nó sẽ phản ánh đúng hơn thực trạng kinh tế Việt Nam. TTCK cũng cần dẹp bớt mấy DN làm giá cổ phiếu, lên sàn ồ ạt theo kiểu bán giấy lấy tiền hoặc/và mua bán hóa đơn lòng vòng, lợi nhuận ảo… TTCK sẽ phát triển theo hướng quý hồ tinh bất quý hồ da.
Bình luận