Đó là ông Nguyễn Hữu Đường (thường được gọi là Đường bia, sinh năm 1954), Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình - người thành lập Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội.
Theo thông tin trên website, ban đầu Công ty TNHH Hòa Bình áp dụng dây chuyền sản xuất bia và nước giải khát của Đức, với công suất đạt hơn 200 triệu lít/năm. Sau đó, vì phát hiện nhiều công ty nước ngoài bán malt (hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến dùng để sản xuất bia) kém chất lượng vào Việt Nam, ông Đường quyết định đổ 250 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy này được đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất của CHLB Đức và sản phẩm malt làm ra không thua kém gì so với malt nhập khẩu.
Ngoài làm bia, malt, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường còn lấn sân vào lĩnh vực bất động sản, xây khách sạn nghỉ dưỡng và sản xuất thép không gỉ. Đại gia này đã đầu tư 1.000 tỷ đồng làm nhà máy cán thép không gỉ khổ rộng 1,4m. Đây là nhà máy cán thép khổ lớn đầu tiên do doanh nghiệp nội đầu tư tại Việt Nam. Tháng 7/2013, nhà máy đi vào hoạt động và chiếm đến khoảng 30 - 40% thị phần trong nước. Một doanh nghiệp khác đáng phải kể đến khi nhắc tới hệ sinh thái của đại gia Đường "bia" là CTCP Xây dựng và Sản xuất Thép Hòa Bình (Thép Hòa Bình).
Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình) của đại gia Đường "bia" đang đăng ký trụ sở chính tại số 84 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng. Doanh nghiệp tiền thân là một tổ hợp gồm 9 người (7 người là thương binh), được thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ là 415 tỷ đồng.
Hiện Công ty Hòa Bình có 7 công ty thành viên gồm: CTCP xây dựng và sản xuất thép Hòa Bình (số 31 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội); CTCP Trung tâm Thương mại V+ Hòa Bình (số 505 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội); CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình (số 1, đường TS3, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh); Công ty TNHH in ấn và sản xuất bao bì Thuận Phát (số 51 ngõ 376/12 đường Bưởi, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội); CTCP Quốc tế Inox Hòa Bình (Km 19+500, Yên Phú, Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên); CTCP Đường Man (số 1 đường TS15, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh); Công ty Liên doanh Rượu Việt - Pháp (số 202H Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội).
Công ty TNHH Hòa Bình đăng ký đến 81 mã ngành, nghề kinh doanh khác nhau.
Loạt dự án bất động sản đình đám
Hiện công ty của đại gia Nguyễn Hữu Đường sở hữu nhiều chung cư cao cấp, dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng. Một trong những dự án mang tính biểu tượng của Tập đoàn Hòa Bình là tòa Tháp quốc tế Hòa Bình được xây dựng từ năm 2004 - 2006 trên khu đất rộng 1.952 m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD.
Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng và là địa điểm quen thuộc được nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC.
Tuy nhiên, sau đó, dự án này đã được bán ra thị trường với mức giá khởi điểm là 705 tỷ đồng nhằm có nguồn vốn để phát triển tập đoàn đa ngành. Qua nhiều cuộc tranh đua trả giá của nhiều công ty địa ốc, mức giá chốt cuối cùng cho Tòa tháp quốc tế Hòa Bình là 735 tỷ đồng.
Ngoài ra tập đoàn còn có khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, được khởi công từ tháng 3/2016 với quy mô hơn 1.000 căn hộ và phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với tổng diện tích 12.500 m2.
Công ty của đại gia Nguyễn Hữu Đường cũng triển khai nhiều công trình quy mô khác như: dự án Nhà máy Đường Man (Bắc Ninh); dự án Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); dự án Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội), dự án Hòa Bình Green City Hà Nội.
Dù làm nhiều dự án đình đám nhưng đại gia Nguyễn Hữu Đường thực sự nổi lên với những dự án "dát vàng" nổi tiếng.
Một trong những dự án dát vàng thể hiện độ "chơi ngông" nhất của ông Đường phải kể đến là dự án khách sạn Hanoi Golden Lake, khi ông quyết định ốp toàn bộ mặt ngoài toà nhà cao 25 tầng bằng gạch phủ vàng với tổng diện tích gạch phủ vàng khoảng 5.000m2.
Chia sẻ về ý tưởng này, ông Đường cho biết, chuyện dát vàng bắt đầu vì một lời hứa. Hồi làm công trình ở đường Hoàng Quốc Việt, ông sang Nga và được bạn bè mời đến ở một tòa nhà dành cho giới thương nhân giàu có. Nội thất ở đó đẹp, nhưng điểm nổi bật là có 4 chiếc thang máy được mạ vàng cánh cửa. Nhờ thế, giá phòng ở đây đắt gấp 5-10 lần các khách sạn khác.
Ngoài ra, ông Đường còn từng nổi đình đám khi ấp ủ về những trung tâm thương mại miễn phí cho hàng Việt. Từ năm 2015, đại gia Nguyễn Hữu Đường đã bắt đầu đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại mang thương hiệu V+ trên khắp cả nước.
Vị doanh nhân còn dự định cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam miễn phí thuê mặt bằng và mong muốn sẽ xây dựng ở mỗi tỉnh một trung tâm. Mục đích để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh với công ty ngoại đang chiếm lĩnh thị trường. Mô hình này ban đầu được áp dụng với 25.000 m2 sàn trung tâm thương mại tại dự án Hòa Bình Green City. Được biết, BigC từng muốn thuê hết mặt bằng tại dự án này trong 50 năm với giá 330 tỷ đồng nhưng ông Đường từ chối.
Bình luận