(VTC News) - Không thể trách những đội bóng lớn vung tiền mua sao, bởi đó chính là nguồn sống của họ.
Mỗi thương vụ chuyển nhượng ở châu Âu, yếu tố doanh thu về kinh tế gần như hoàn toàn lấn át chuyên môn. Nổi cộm gần đây nhất là việc Real Madrid chi tới 80 triệu Euro cho James Rodriguez.
Và kết quả mang về là Chủ tịch của Los Blancos - Florentino Perez thu về ít nhất 200 triệu Euro, từ gói trúng thầu công trình xây dựng tại Colombia - nơi James được coi là “anh hùng dân tộc”. Ngoài ra, doanh thu áo đấu của James Rodriguez đã lên tới 20 triệu Euro chỉ sau vài ngày anh gia nhập Real.
Real đã chi hơn 240 triệu Euro để có bộ ba Bale - Rodriguez - Ronaldo |
James Rodriguez chỉ là ví dụ “nhỏ” trong cách làm “tiêu tiền trước để có bội tiền sau” của Real. Bởi, cầu thủ tấn công người Colombia vẫn chưa có tên tuổi, và nếu để so sánh với “con gà đẻ trứng vàng” của Real là Cristiano Ronaldo, lợi nhuận mà James mang về cũng chỉ là “số lẻ”.
Một vài con số sau sẽ chứng minh điều trên, hiện Real đang trả lương sau thuế cho Ronaldo khoảng 21 triệu Euro/mùa. Nhưng với điều kiện nắm giữ 50% bản quyền hình ảnh, Real thu lại của Ronaldo xấp xỉ 19 triệu Euro/năm - kiếm được nhờ đóng quảng cáo của tiền đạo này. Đó là chưa kể những con số khác như bán áo đấu - đang “vô đối” thế giới, bản quyền truyền hình (Ronaldo có 46.3 triệu fan trên Facebook)... mà Real nắm giữ hoàn toàn.
|
Một ví dụ “nhỏ” nữa về “tiêu tiền trước để có bội tiền sau” từ Premier League, việc Man Utd bỏ ra 17 triệu Bảng để mang Shinji Kagawa về Old Trafford cho đến lúc này bị các CĐV xem như một bản hợp đồng thất bại. Bởi, Kagawa với thể hình thấp bé đã, đang không cạnh tranh nỗi với Wayne Rooney hay Juan Mata.
Song, lợi ích Kagawa mang lại cho Man Utd không ở trên sân cỏ, mà là ở việc họ tiếp tục thống lĩnh thị trường “khán giả” ở châu Á. Ngoài hàng triệu người theo dõi qua truyền hình - làm tăng giá bản quyền truyền hình, doanh thu áo đấu luôn nằm trong tốp thế giới thì nhờ Kagawa, cứ mỗi năm, Quỷ đỏ thu về ít nhất 1-2 triệu Bảng/nhà tài trợ, trong tổng số hơn 15 nhà tài trợ đến từ châu Á.
Sở dĩ nói Kagawa là một ví dụ “nhỏ” là vì tổng doanh thu từ các hợp đồng tài trợ của Man Utd trên khắp thế giới đã đạt mức trung bình 130 triệu Bảng/năm, và đang tiếp tục tăng.
Kagawa giúp Man Utd thống lĩnh thị trường 'khán giả' châu Á |
Ở khía cạnh chuyên sâu hơn, mỗi CLB châu Âu đều được xem như là một tập đoàn, và bóng đá chỉ là bề nổi, yếu tố phụ giúp cho tảng băng chìm - “hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư”. Như Real với kế hoạch xây sân Bernabeu đi kèm các tổ hợp nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại... Hay Man Utd, mỗi năm lại kết hợp cùng vài nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhà tài trợ từ khắp nơi trên thế giới.
Bỏ tiền ra mua “sao”, gạt qua yếu tố chuyên môn, các “đại gia” không những chắc chắn sẽ thu được những “bom tiền”, mà còn để đánh bóng tên tuổi thành công, phục vụ cho những nguồn thu dài lâu.
Sân Bernabeu mới của Real sẽ chứa nhiều tổ hợp khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại... |
Theo thống kê tài chính của Deloitte vào năm 2008 - thời điểm “kim tiền” dần nắm quyền chi phối bóng đá châu Âu, ngành công nghiệp bóng đá mỗi năm chiếm từ 0.5 đến 3.7% tổng GDP (giá trị sản phẩm nội địa) của khối Liên minh châu Âu (EU) - khoảng 13.7 tỉ Euro. Vì thế mà bóng đá, ở châu Âu, không khác gì một mảnh đất màu mỡ cho các ông chủ đổ tiền vào đầu tư.
Mỗi thương vụ chuyển nhượng bóng đá giờ đây giống như một cuộc "làm ăn" kinh doanh không hơn không kém.
Hoàng Tùng
Bình luận